Giải phóng Thủ đô – Dấu son của lịch sử, động lực cho tương lai

ANTD.VN - Cứ đến ngày 10/10 hàng năm, Hà Nội lại bồi hồi nhớ về những ngày tháng hào hùng của dân tộc, tạo nên những trang sử vàng cho non sông  – ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954) . Đặc biệt đối với những cựu tù binh nhà tù Hỏa Lò, trong những ngày đầu cách mạng và những ngày chuẩn bị cho sự kiện trọng đại tiếp quản Thủ đô là quãng thời gian không thể nào quên. Với họ, những ký ức về ngày tiếp quản Thủ đô vẫn là những kỷ niệm không thể lãng quên trong thẳm sâu tâm hồn của mình.

Lật xem từng bức ảnh mà ông chụp cùng đồng đội tham gia tiếp quản Thủ đô... người còn, người mất, khoé mắt của ông Dương Tự Minh, học sinh kháng chiến bị Thực dân Pháp giam trong Nhà tủ Hỏa Lò lại rưng rưng ánh lệ. Nhớ lại bao trận tra tấn dã man của địch, ông không thể quên được những tháng ngày nằm gai nếm mật cùng các anh em đồng đội hoạt động trong những ngày đầu giải phóng Thủ đô bị địch bắt giam trong nhà tù Hoả Lò.

Chiếc kỷ vật là thẻ tù binh duy nhất còn lại của Nhà tù Hỏa Lò này là của ông Dương Tự Minh... Ông cũng là người duy nhất còn giữ lại kỷ vật này. Số hiệu 2017 luôn đi theo ông suốt cả một đời...

Còn với ông Đỗ Đăng Long, cựu tù chính trị của Nhà tù Hoả Lò, niềm vui của 68 năm trước khi đoàn quân lớp lớp tiến về Thủ đô. Từ thời khắc lịch sử trọng đại ấy, Hà Nội và cả nước đi lên với những bước chuyển mình quan trọng. Trưng bày cũng thể hiện niềm tự hào và lòng biết ơn những người con đã hy sinh vì Thủ đô thân yêu. Với ông, ngày 10-10 còn ý nghĩa hơn gấp bội, bởi ông sinh đúng ngày 10-10.

Nghẹn ngào xúc động khi nhìn lại những kỷ vật về người chồng vừa quá cố của mình cùng đồng đội trong những ngày lịch sử đó, bà Đỗ Thị Hải là vợ của đồng chí Trần Khắc Cần (hay còn có tên khác là Lê Văn Ba), học sinh kháng chiến Hà Nội bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hoả Lò năm 1953 vẫn chưa nguôi nỗi buồn.

Để con cháu được tận mắt nhìn về quá khứ hào hùng, hôm nay bà đã đưa cả gia đình và cả cháu đích tôn đến Nhà tù Hoả Lò để tham dự triển lãm trưng bày "Khúc ca khải hoàn".

Giờ đây, mỗi lần Hà Nội vào thu, khi nắng tháng 10 rót mật xuống không gian phố phường Hà Nội, những chứng nhân lịch sử ngày 10-10 năm nào lại nhớ về những năm tháng không thể nào quên ấy. Bạn bè đồng chí, đồng đội xưa của họ, người mất nhiều hơn người còn, nhưng dịp này hằng năm, chuẩn bị cho lễ kỷ niệm giải phóng Thủ đô, họ lại chống gậy tới gặp nhau, chỉ để ôn lại những kỷ niệm cũ trong một tâm thế rưng rưng xúc động... Còn đối với thế hệ trẻ của Hà Nội, đó là những niềm tự hào không gì sánh bằng về sự hy sinh của cha ông vì non sông...

68 năm đã qua, cùng với một Hà Nội vẫn lưu giữ được những hình ảnh quen thuộc với nhiều người là một Hà Nội với nhịp sống đô thị hiện nay, đã và đang khoác lên mình chiếc áo mới, diện mạo mới với những bước tiến dài, những đổi thay ngoạn mục.

Song dù phát triển to lớn đến đâu, đô thị hóa tới mức nào, Hà Nội vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống, môi trường bình yên và an toàn; vẫn giữ những “thương hiệu” riêng có của mình.