Giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường

(ANTĐ) - Trước thực trạng ô nhiễm môi trường đang gia tăng, phóng viên ANTĐ đã phỏng vấn ông Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ nhiệm ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về những vấn đề liên quan đến môi trường hiện nay.

Giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường

(ANTĐ) - Trước thực trạng ô nhiễm môi trường đang gia tăng, phóng viên ANTĐ đã phỏng vấn ông Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ nhiệm ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về những vấn đề liên quan đến môi trường hiện nay.

Ô nhiễm bụi phổ biến tại các khu đô thị đang phát triển

- PV: Ông đánh giá như thế nào về tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta?

- ĐBQH Nghiêm Vũ Khải: Chất thải rắn ở các khu công nghiệp và nước thải chảy ra các sông, hồ đang là những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề cũng có diễn biến phức tạp. Ngoài ra, còn ô nhiễm khói, bụi tại các khu đô thị đang phát triển. Nói chung, tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam là đáng báo động và một số nơi ô nhiễm rất nghiêm trọng.

- Có giải pháp nào để khắc phục, thưa ông?

- Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2005 đã đưa ra một hệ thống các quy định pháp luật khá khoa học và tiên tiến. Cho đến giờ luật này vẫn giữ được giá trị và được đánh giá là tiến bộ. Luật đã và đang phát huy tác dụng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

- Theo ông, đã có trường hợp vi phạm về môi trường nào được xử lý nghiêm chưa?

- Xét về tổng thể thì chưa có vụ vi phạm về môi trường nào được xử lý nghiêm. Lý do còn vướng về pháp luật, nhưng khâu yếu nhất trong xử lý vi phạm về môi trường là năng lực của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này còn yếu. Riêng những vướng mắc về Luật Hình sự, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ thông qua một số điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, trong đó có một số điều liên quan đến tội phạm môi trường.

Hướng sửa đổi này sẽ tạo điều kiện tháo gỡ những vướng mắc trong quy trình tố tụng hình sự đối với tội phạm môi trường. Ngoài ra, ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã sửa đổi bổ sung Luật Điều tra hình sự, tạo điều kiện cho lực lượng Cảnh sát môi trường thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

-PV: Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng biến đổi khí hậu và Việt Nam chịu ảnh hưởng ra sao về hiện tượng này?

- Việt Nam được xếp vào 1/5 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu. Biểu hiện của hiện tượng này là nước biển dâng. Nếu hiện tượng này xảy ra, ta không những sẽ mất nhiều diện tích đất ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và một số vùng duyên hải, bờ biển mà còn diễn ra tình trạng nước mặn xâm nhập vào các cánh đồng. Biến đổi khí hậu còn mang đến hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lũ trái mùa, không theo quy luật…

- Theo ông, làm thế nào để ứng phó với hiện tượng trên?

- Tháng 12-2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, trong đó có 1 mục tiêu tổng quát và 8 nhiệm vụ cụ thể. Đây là văn bản pháp luật có ý nghĩa tổng thể về các hành động quốc gia, trong đó đề ra nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện và Chính phủ đã chi gần 2.000 tỷ đồng cho việc thực hiện chương trình này.

Theo tôi, nhiệm vụ trong tương lai của chúng ta nhằm chống thảm họa về môi trường còn nặng nề, cần hợp tác chặt chẽ với những nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Mặt khác, sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu thực hiện một thời gian, có thể sẽ đưa lên một chương trình để Quốc hội xem xét thông qua, nhằm tạo cơ sở pháp lý cao hơn và tạo nguồn lực đầy đủ, toàn diện hơn để ứng phó có hiệu quả với hậu quả của biến đổi khí hậu.

Điều quan trọng hơn là ta phải ngăn ngừa hậu quả xảy ra bằng cách xây dựng nền kinh tế các-bon thấp (nghĩa là thải ít khí các-bon ra môi trường), để giảm bớt đi căn nguyên gây ra tăng nhiệt độ, băng tan dẫn đến biến đổi khí hậu. Cần tích cực trồng cây xanh, tăng độ che phủ của rừng để hấp thụ các-bon, tránh phát tán lên tầng cao của khí quyển làm thủng tầng ô-zôn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.

- PV: Xin cảm ơn ông!

Hà Trang (Thực hiện)