Giải mã số lính Mỹ tham chiến tại Syria cao gấp 4 lần con số họ công bố

ANTD.VN - Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vừa thông báo rằng hiện có khoảng 2.000 lính đặc nhiệm đang hoạt động tại Syria. Điều này gây bất ngờ vì trước đó họ chỉ thừa nhận có khoảng 500 binh sĩ đóng quân tại đây.

Ngày 25-11, Sputnik dẫn các báo cáo của Hoa Kỳ cho biết, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DoD) đã sẵn sàng công khai thảo luận về số lượng quân đội Mỹ tại Syria.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã thông báo rằng hiện có khoảng 2.000 quân đóng quân tại Syria. Đây được coi là tiết lộ gây chấn động giới truyền thông Mỹ.

Trong nhiều năm qua, Lầu Năm Góc luôn khẳng định rằng, chỉ có khoảng 500 lính Hoa Kỳ được triển khai ở Syria. 

Số binh sĩ này chủ yếu là lực lượng đặc nhiệm, đóng vai trò là cố vấn chiến thuật và thực hiện công tác đào tạo.

Khi Sputnik liên lạc và yêu cầu xác nhận bản báo cáo, một quan chức Lầu Năm Góc nhấn mạnh, "Chúng tôi không có gì để nói thêm".

Theo một số báo cáo, các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ đã gắn con số 500 binh sĩ tại Syria trong một khoảng thời gian dài vì đây là vấn đề nhạy cảm đối với Lầu Năm Góc.

Cả Nga và Mỹ đều cố ý giấu con số chính xác lực lượng bộ binh đang tham chiến tại Syria. Khi cuộc chiến chống khủng bố tại Syria dần đi tới hồi kết, DoD mới sẵn sàng công khai số lượng binh sĩ của họ tại Syria.

Thậm chí các quan chức tại Lầu Năm Góc còn nhấn mạnh rằng, các báo cáo gần đây thiếu tính chính xác (ý nói con số 500 binh sĩ) vì nó không liệt kê những binh sĩ đang làm nhiệm vụ ngắn hạn trên mặt đất hoặc những binh sĩ sắp rời khỏi Syria.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng quan ngại về việc tiết lộ số liệu chính xác về lực lượng hiện tại ở Iraq. 

Quân đội Mỹ tin rằng, việc tiết lộ công khai có thể sẽ gây áp lực lên chính phủ của quốc gia này.

Tướng James Jarrard, chỉ huy lực lượng đặc biệt của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ khủng bố IS từng cho biết, nước này đang triển khai khoảng 4.000 quân trên lãnh thổ Syria. Tuy nhiên ngay sau đó ông nhận ra sai sót và chỉnh lại con số này chỉ còn 503 binh sĩ.

"Tướng Jarrard đã nói nhầm khi cho biết có 4.000 lính Mỹ ở Syria. Lực lượng do chúng tôi quản lý tại đây chỉ có 503 người", Thiếu tá Adrian Rankine-Galloway, sĩ quan phụ trách báo chí tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, khẳng định.

Tuy nhiên giới quan sát cho rằng cả 503 và 4.000 đều chưa chính xác về con số lực lượng Mỹ đang hoạt động tại chiến trường này.

Mỹ cần một lực lượng đủ lớn để thiết lập những trại huấn luyện quy mô lớn cho phe đối lập. 

Không những thế, hàng loạt căn cứ bí mật của Mỹ rải khắp đông Syria cũng cần một lượng binh sỹ đáng kể để duy trì.

Những căn cứ, trại huấn luyện này được Mỹ lập ra còn nhằm mục đích huấn luyện cho các lực lượng đối lập tại Syria, đặc biệt là lực lượng Dân chủ Syria (SDF).

Khối lượng công việc mà Bộ Quốc phòng Mỹ đặt ra cho lính đặc nhiệm là quá lớn so với khả năng của họ. Vì vậy có thể con số hơn 2.000 binh lính như Mỹ vừa thừa nhận là chính xác.

Bên cạnh đó, không ít lần đặc nhiệm Mỹ trực tiếp tham gia các chiến dịch chống IS tại Deir Ezzor. 

Theo một số nguồn tin đối lập, đặc nhiệm Mỹ từng nhảy dù, đột kích chiếm mỏ dầu ở bờ đông sông Euphrates.

Mỹ mới đây đã xác nhận việc chính thức duy trì hoạt động lâu dài của các căn cứ quân sự nước này tại Syria "chừng nào còn có sự xuất hiện của chủ nghĩa khủng bố tại đây".

Với một địa thế quan trọng như Syria nằm trấn giữ một phần Địa Trung Hải, con đường hàng hải lớn nhất thế giới, Mỹ sẽ không từ bỏ sự ảnh hưởng của mình.

Mặt khác Syria cũng là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn và là tuyến đường khí đốt quan trọng của Châu Âu có thể đi qua. Trước đây Tổng thống Assad đã từ chối cho tuyến đường ống dẫn khí đi qua nước này chỉ vì muốn bảo vệ quyền lợi cho Nga.

Mỹ không chịu để một mình Nga gây ảnh hưởng tại quốc gia Trung Đông này. Cả Nga và Mỹ đều không công khai chính xác con số bộ binh đang thực chiến tại đây nhằm để tạo bất ngờ trên chiến trường và tranh giành ảnh hưởng.

Khi cuộc nội chiến Syria xảy ra, Mỹ đã bỏ công sức hỗ trợ cho lực lượng đối lập Syria mạnh nhất khi đó là quân đội Syria tự do (FSA).

Tuy vậy, thành phần ô hợp, lại chứa đựng những phần tử hồi giáo quá khích khiến Mỹ lo ngại một ngày nào đó tổ chức này sẽ chống đối lại chính họ.

Vì vậy dù đã bỏ rất nhiều tiền của và vũ khí hỗ trợ cho FSA, Mỹ vẫn quyết tâm bỏ rơi lực lượng này.

Họ đã xây dựng một lực lượng khác với tên gọi là lực lượng Dân chủ Syria (SDF), nòng cốt của lực lượng này là các tay súng người Kurd và các phe phái đối lập tương đối ôn hòa tại Syria.

Mỹ đã trực tiếp huấn luyện và chuyển giao nhiều vũ khí hiện đại cho SDF.

Quy mô của lực lượng này hiện nay lên tới hơn 65.000 binh sĩ, trở thành lực lượng đối trọng nhất với chính quyền Tổng thống Assad tại Syria.

SDF đã giải phóng thành phố Raqqa, một trong những thành phố lớn nhất của Syria khỏi khủng bố IS.

Đại bản doanh của SDF đặt tại thành phố này, sau khi quân đội Syria tiêu diệt IS, họ quyết định tấn công FSA bị Mỹ bỏ rơi thay vì nhắm thẳng vào SDF. 

Đây được coi là động thái thông minh của liên quân Nga-Syria vì không nhắm thẳng đến Mỹ. Họ quyết định tiêu diệt các phe cánh khác trước khi hướng thẳng mũi tiến công vào lực lượng đồng minh Mỹ SDF.

Chiến trường Syria sẽ rất căng thẳng trong thời gian tới. Hòa bình cho Syria không còn nằm trong tay người dân nước này mà vào các cường quốc khác trong đó Nga và Mỹ làm chủ đạo.