“Giải mã” nguyên nhân hỏa hoạn trong ngày lễ, Tết

ANTD.VN - Tục cúng lễ ngày "Ông Công, ông Táo" là truyền thống lâu đời của người Việt Nam, do đó vào những ngày này người dân có quan niệm mua sắm và hóa nhiều vàng mã thì càng may mắn. Việc này đã  tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Cháy nổ rình rập từ việc đốt vàng mã

Hỏa hoạn luôn rình rập

Năm nào cũng vậy, những ngày lễ cúng "Ông Công, ông Táo" là thời điểm lo lắng nhất của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội. Sở dĩ có vấn đề này là do ngày này người dân thường mua sắm vàng mã làm lễ rất nhiều để bày trên ban thờ cùng với lễ vật khác. Khi đó, quang cảnh hóa vàng mã khắp nơi, đâu đâu cũng khói nghi ngút, tàn tro bay mù mịt.

Chủ nhân thắp hương, hóa vàng mã chưa xong nhưng thường bận rộn nhiều việc khác. Dẫn đến việc bỏ quên và nhiều gia đình đã gặp hậu quả gây cháy nhà.

Đã có nhiều vụ cháy xảy ra do thắp hương, nến thờ cúng trong ngày "Ông Công, ông Táo" chú ý, chỉ sơ suất, hương rơi tàn vào đồ vàng mã cũng có thể dẫn đến cháy nhà. Hoặc hóa vàng, mã không dập tàn, gặp gió thổi dính vào quần áo, chăn màn gần đó dẫn đến hậu quả khôn lường. Điển hình, vụ cháy xảy ra tại đường Vũ Chí Thắng, phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân, Hải Phòng... Ngọn lửa bùng phát từ khu vực sân thượng, phía sau tầng 2 của ngôi nhà, sau đó lan nhanh xuống dưới, kèm theo vài tiếng nổ lớn. Nguyên nhân được biết do chủ nhà cúng lễ xong hóa vàng mã trên sân thượng, nhưng không chú ý dẫn đến hậu quả thiệt hại về tài sản.

Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, dịp lễ, tết số lượng vụ cháy thường gia tăng. Nguyên nhân đều từ ý thức, sự lơ là của người dân thắp hương, nến không chú ý, hoặc hóa vàng mã tàn bay vào đồ dễ cháy như quần áo, chăn màn nhưng không biết đã gây cháy lan, cháy lớn.

Có những gia đình còn chủ quan hóa vàng mã xong nhưng khóa cửa đi chơi, hoặc hóa vàng mã trên tầng 5 xuống tầng 1, làm việc khác khi cháy lớn phát hiện thì đã muộn.

Vụ cháy tại đường Vũ Chí Thắng, phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân, Hải Phòng

Cùng với hiểm họa cháy, nổ trong gia đình, tại nơi thờ tự vào những ngày lễ cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Nguyên nhân do phần lớn người dân thắp hương và thiếu ý thức, không tuân thủ quy định nơi cắm, hóa vàng của nhà chùa, dẫn đến hậu quả cháy, nổ.

Để đảm bảo an toàn PCCC cho gia đình và nơi thờ tự, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị Công an quận, huyện tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, đặc biệt chú trọng các nơi thờ tự. Cùng với đó, trang bị các phương tiện tại chùa, đền nơi người dân thường tập trung lễ vào những ngày trước trọng và sau lễ "Ông Công, ông Táo".

Hạn chế tối đa các vụ cháy, nổ

Để hạn chế tối đa việc xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về người, tài sản và đảm bảo an toàn PCCC khi thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, Công an Thành phố khuyến cáo người dân, các hộ gia đình, đơn vị, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện tốt các biện pháp sau.

Trong quá trình thắp hương phải trông coi ban thờ, bố trí nơi thắp hương thờ cúng đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC; để cách xa bát hương với các vật dụng dễ cháy trên ban thờ, tránh trường hợp hương cháy rơi vào các vật dụng dẫn đến cháy; không thắp hương vòng qua đêm. Hạn chế để nhiều vật liệu dễ cháy và sử dụng nến trong thờ cúng; không nên đi ra khỏi nhà khi hương trên ban thờ chưa tắt.

Đốt vàng mã phải có người trông coi; đúng nơi quy định, tránh xa nhưng nơi có vật dễ cháy. Không đốt quá nhiều vàng mã, nhất là các loại vàng mã có khối lượng lớn. Không đốt vàng mã ở những nơi cấm như: chợ, trung tâm thương mại, nơi có vật liệu dễ cháy, luôn có biện pháp ngăn chặn cháy lan.

Đốt vàng mã trong các dụng cụ làm bằng vật liệu không cháy như thùng kim loại (sắt, inox), lư đồng, bê tông, nhà xây bằng gạch, có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh, đồng thời phải chờ vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy lên tro.

Các thiết bị điện được bố trí trên bàn thờ cần đảm bảo an toàn PCCC, có thiết bị đóng ngắt để tránh sự cố về điện có thể gây ra cháy.

Nguy cơ cháy, nổ từ việc đốt vàng mã không chú ý

Với các cơ sở tín ngưỡng phải bố trí khu vực riêng dùng để hóa vàng mã tại các vị trí an toàn, cách xa các vật dụng dễ cháy…; cử người trông coi khi khách đến thắp nhang, đèn, để xử lý ngay những trường hợp bất cẩn. Hạn chế thắp hương thờ cúng và hóa vàng. Khi cần thiết phải thắp hương thờ cúng để phục vụ cho việc hành lễ, cúng, tế phải có người trông coi; dụng cụ đỡ nhang, đèn bố trí nơi chắc chắn, cố định, tránh ngã, đổ.

Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức PCCC cho những người làm việc và phục vụ tại các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng (đền, chùa,...); phát trên loa tuyên truyền cho khách đến cúng, viếng, có ý thức chấp hành về PCCC.

Mỗi hộ gia đình tự trang bị phương tiện PCCC như: bình chữa cháy, , thang dây, dụng cụ phá dỡ, mặt nạ lọc độc; trang bị kiến thức về PCCC, cách sử dụng phương tiện chữa cháy và kỹ năng thoát nạn khi có cháy xảy ra. Thường xuyên và định kỳ tự kiểm tra an toàn PCCC trong phạm vi quản lý; kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện, các thiết bị điện và dụng cụ, phương tiện PCCC&CNCH.