Giải bài toán khó giữa bảo tồn và phát triển sân khấu truyền thống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng ngày 3/8, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức hội thảo "Sân khấu Thủ đô với tính truyền thống và hiện đại" để một lần nữa nhìn nhận lại bài toán bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật sân khấu của dân tộc.

Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, khát khao của người những người làm sân khấu hôm nay là mong muốn giữ được nghệ thuật có tính truyền thống, vốn cũ, và cũng mong muốn thể hiện những vấn đề và những con người của thời đại mình đang sống. Nhờ niềm khát khao đó mà các thể loại nghệ thuật tuồng, chèo, rối, cải lương, dân ca đã có thêm nhiều vở diễn về đề tài mới, về cuộc sống và con người mới. Nhờ đó mà kịch hát truyền thống vẫn tiếp tục hiện diện trong tâm thức của người xem trẻ tuổi hôm nay.

Tuy nhiên, theo NSND Thanh Trầm, cơ chế thị trường khiến cho đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu Thủ đô nói riêng năng động hơn, nhưng cũng làm cho đội ngũ này phân hóa mạnh mẽ, chịu những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực. Nghệ thuật sân khấu còn tồn tại xu thế chạy theo đồng tiền đi theo định hướng không đúng, nhiều yếu tố thiếu sự lành mạnh, chính thống như kịch kinh dị, sex, sân khấu ma.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Vẫn còn ít tác phẩm hay tạo dư luận và gây tác động mạnh mẽ. Các đề tài truyền thống vắng bớt dần, các đề tài kinh dị, bạo lực, ái tình chụp giật… nổi lên như một cứu cánh tồn tại. Một số vở diễn sân khấu có biểu hiện bắt chước, mô phỏng, chạy theo hình thức và thủ pháp mới, đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc. Tác phẩm sân khấu phản ánh hiện thực đời sống mờ nhạt, vì vậy thời gian qua, khán giả thấy không ít nhà hát, rạp chiếu bóng quạnh vắng, không có người xem, tuyển diễn viên trẻ loại hình sân khấu truyền thống không có người, nhiều nghệ sĩ không sống được với nghề nên đã đi tìm mưu sinh khác.

"Bên cạnh đó, một số đơn vị nghệ thuật cơ sở vật chất xuống cấp, lực lượng sáng tạo nghệ thuật hoạt động tự do rất khó quản lý, nhiều diễn viên mải chạy "sô" không trau dồi chuyên môn và đạo đức tư cách nghề nghiệp, một số báo chí truyền thông “lăng-xê” diễn viên không thực chất, các sân khấu vẫn trong tình trạng “nghiệp dư hoá” trong quản lý cũng như biểu diễn", NSND Thanh Trầm nói.

Tác giả Hoàng Thanh Du chia sẻ thêm rằng, sân khấu truyền thống ngày càng vắng khách. Chỉ ở những địa bàn có ít phương tiện giải trí, ít loại hình nghệ thuật hoạt động, hoặc ở nông thôn vào những dịp lễ hội thì các thể loại nghệ thuật truyền thống như rối - tuồng, chèo, cải lương còn có ít nhiều khán giả. Còn ở thành thị, sân khấu kịch hát truyền thống đều phải bươn chải một cách vất vả, bằng nhiều hình thức ngoài ý muốn của những người yêu nghề... Sân khấu kịch nói có phần đỡ gian nan hơn nhưng lại phải chạy theo nhu cầu giải trí nhiều hơn là giá trị tư tưởng và nghệ thuật sân khấu.

Để giải quyết bài toán giữa bảo tồn và phát triển các loại hình sân khấu, tác giả Hoàng Thanh Du cho rằng, chính tư duy sáng tạo “bình mới rượu cũ" ở các vở diễn gần đây đã không đáp ứng được đòi hỏi thẩm mỹ của khán giả. Hơn ai hết, những người làm nghề phải tự nâng cao trình độ, tìm tòi và sáng tạo mới vực dậy chất lượng các vở diễn.

Sân khấu truyền thống đang đứng trước khó khăn giữa bảo tồn và phát triển

Sân khấu truyền thống đang đứng trước khó khăn giữa bảo tồn và phát triển

NSND Thanh Trầm cho rằng, hiện sân khấu Thủ đô vẫn thiếu một đội ngũ tác giả chuyên nghiệp, tác giả có bản lĩnh dũng cảm đi trước công chúng, mạnh dạn trả lời những băn khoăn của thời đại, nêu lên những tấm gương, dự báo những nguy cơ. Sân khấu hiện chưa có nhiều những tác giả xông xáo vào những lĩnh vực mũi nhọn của đời sống hiện đại, khắc hoạ tính cách tiêu biểu của con người hôm nay của thời hội nhập, mở cửa, điển hình của xã hội phát triển, của văn hoá phát triển. Đồng thời, sân khấu lại thiếu những người làm phê bình chuyên nghiệp, cộng với sự dễ dãi trong sáng tạo của người làm nghề, sự dễ dãi của người thưởng thức nên sân khấu chúng ta không có được nhiều những tác phẩm đỉnh cao.

Còn NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội lại đề cao hoạt động truyền thông trong quảng bá tác phẩm sân khấu. Ông lý giải, khi chúng ta nỗ lực không ngừng xây dựng, bảo tồn, duy trì và phát triển sân khấu Thủ đô với hệ thống các tác phẩm nghệ thuật mang tính truyền thống và hiện đại, chúng ta không thể không đồng thời xây dựng và phát triển ban nhân sự, phương án và giải pháp truyền thông cho những “sản phẩm” ấy. Bởi, trong xã hội phát triển 4.0 ngày nay, công tác truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng, thậm chí có thể nói là hàng đầu trong việc đưa tác phẩm tới đông đảo khán giả.