Giấc mơ "mái ấm" còn xa

ANTD.VN - Với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, đến nay cả nước đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và các khu công nghiệp, giải quyết chỗ ở cho gần 500.000 người thu nhập thấp. 

Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250.000 căn hộ), tới thời điểm này mới chỉ đạt 28%. Tại sao chủ trương, đường lối đã rõ, Chính phủ đã ban hành nghị định về phát triển, quản lý nhà ở xã hội, người dân cũng có một phần tiền để mua nhà, nhưng việc triển khai vẫn chậm chạp, nhất là nhà ở công nhân, người nghèo đô thị?

Một trong những nguyên nhân là nhiều dự án chưa quan tâm tới thu nhập của người dân, người mua vẫn chưa tiếp cận được giá tốt nhất, giấc mơ có một “mái ấm” còn xa vời. Để tiếp tục hỗ trợ cho người dân về nhà ở, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100, theo đó sẽ tiếp tục cho nhiều đối tượng vay ưu đãi để mua, thuê nhà ở xã hội. Song, hiện ngân hàng vẫn “đỏ mắt” mong tiền dù chính sách cho vay đã được ban hành từ cuối năm 2015.

Phải chờ Bộ Kế hoạch - Đầu tư thu xếp vốn, Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế cấp bù lãi suất. Trong khi đó, theo ý kiến phản ánh của nhiều dịa phương, với lãi suất vay lên tới 10%, nhiều doanh nghiệp không sốt sắng triển khai dự án. Họ chỉ cần Chính phủ ban hành những chính sách mới để thu hút nhà đầu tư xây nhà ở xã hội, nhất là gói hỗ trợ về tài chính để việc triển khai có hiệu quả hơn.

Không nên quên một thực tế, do lợi nhuận thấp và việc vận hành sau khi xây xong rất phức tạp, nên doanh nghiệp chẳng mấy mặn mà xây nhà ở xã hội mà thường tập trung thực hiện nhà ở thương mại trước. Thế nhưng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, hiện nay nhiều thủ tục hành chính rườm rà vẫn “đè” lên các doanh nghiệp, mặc dù họ đang làm công việc mang tính chất phúc lợi xã hội.

Cơ chế vận hành thủ tục hành chính ở cơ sở, địa phương “có vấn đề”. Vì vậy, cần phải công khai minh bạch các cơ chế, chính sách ưu đãi và phải thông báo kịp thời để doanh nghiệp và người dân nắm được.

Bức xúc nhất hiện nay là nhà ở của công nhân trong các khu công nghiệp tỷ lệ quá thấp. Nhiều địa phương chưa dành đất, chưa chọn được doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội trong khi chính sách pháp luật đã có. Rõ ràng, giấc mơ “mái ấm” của người lao động, người thu nhập thấp đều trông chờ vào hành động mạnh mẽ của địa phương, doanh nghiệp.