Giá vé máy bay nội địa: Được điều tiết trong khung giá trần nhưng có tăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Giao thông - Vận tải đang soạn thảo, lấy ý kiến về việc điều chỉnh giá trần vé máy bay nội địa nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ trần vé máy bay đối với các đường bay nội địa có nhiều hãng cùng khai thác, vì vé máy bay không nằm trong mặt hàng thiết yếu, không cần phải quản lý giá trần mà để thị trường quyết định. Dù vậy, nhà chức trách hàng không hiện vẫn bảo lưu quan điểm quản lý vé máy bay bằng giá trần.

Tăng trần tối đa 250.000 đồng/chặng

Bộ Giao thông - Vận tải đang lấy ý kiến sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa theo hướng tăng giá vé. Theo dự thảo Thông tư mới, với đường bay dưới 500km, giá dịch vụ vận chuyển được giữ nguyên theo Thông tư 17. Cụ thể, nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội vẫn có mức giá tối đa là 1,6 triệu đồng/vé một chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500km có mức giá tối đa là 1,7 triệu đồng/vé một chiều. Với các đường bay từ 500km đến dưới 850km, mức giá tối đa đề xuất là 2,25 triệu đồng/vé một chiều. Trong khi theo quy định hiện hành đang là 2,2 triệu đồng/vé.

Ngành giao thông bảo lưu quan điểm duy trì giá trần vé máy bay để Nhà nước quản lý

Ngành giao thông bảo lưu quan điểm duy trì giá trần vé máy bay để Nhà nước quản lý

Đường bay từ 850km đến dưới 1.000km, mức giá tối đa đề xuất là 2,89 triệu đồng/vé, cao hơn 100.000 đồng so với quy định hiện hành. Ở khoảng cách đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280km, Dự thảo mới đề xuất mức giá tối đa là 3,4 triệu đồng, cao hơn 200.000 đồng so với quy định hiện hành. Cuối cùng, mức giá 4 triệu đồng được đề xuất cho khoảng cách đường bay từ 1.280km trở lên. Con số này cao hơn quy định hiện hành 250.000 đồng.

Mức tối đa giá dịch vụ đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho 1 vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách cũng như dịch vụ bảo đảm an ninh như giá phục vụ hành khách, giá bảo đảm an ninh, hành lý.

Mức tối đa giá dịch vụ cũng chưa tính khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm. Đây là khoản giá do các hãng hàng không quyết định trên cơ sở cân đối khả năng cung cấp dịch vụ của hãng hàng không và nhu cầu của thị trường. Các hãng hàng không quy định giá vé cụ thể trên đường bay hoặc nhóm đường bay theo phương thức đa dạng giá vé cho mỗi đường bay và chính sách giá giảm thường xuyên dành cho đồng bào, chiến sĩ thường trú tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Liên quan đến việc đề xuất tăng trần vé máy bay, đại diện Vietravel Airlines bày tỏ, đây là một trong những đề xuất theo sát tình hình thực tế của ngành khi các chi phí đầu vào có nhiều sự biến động so với khung giá trần đã được ban hành tại thời điểm cách đây 8 năm. "Dựa trên kết quả hoạt động của Vietravel Airlines trong những năm vừa qua đã cho thấy, trung bình giá vé của các chặng bay do hãng khai thác luôn dưới khung giá vé trần theo Thông tư 17 được ban hành từ năm 2015. Việc tăng khung giá trần sẽ cho phép các hãng có biên độ điều hành giá vé rộng hơn, giúp hãng chủ động hơn trong việc linh hoạt cân bằng giữa việc đảm bảo giá vé cạnh tranh nhưng vẫn đáp ứng các chi phí đầu vào biến động như thời gian qua” - đại diện Vietravel Airlines cho hay.

Kiến nghị buông giá vé hạng thương gia

Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính về việc góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Theo đó, đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, Bộ Giao thông - Vận tải thống nhất với nội dung tại mục 7.2, phần I, Báo cáo số 243/BCCP ngày 18-5-2023 của Chính phủ về hình thức định giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa: Bộ Giao thông - Vận tải quyết định giá tối đa, các hãng hàng không quyết định giá cụ thể.

Liên quan đến tên danh mục hàng hóa, dịch vụ, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, tại Phụ lục 2 dự thảo Luật Giá (sửa đổi) quy định: “Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa” do Bộ Giao thông - Vận tải định giá tối đa. Sau khi rà soát, Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị sửa đổi quy định chi tiết hơn với danh mục này theo hướng: “Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông cơ bản” do Bộ Giao thông - Vận tải định giá tối đa.

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, việc điều chỉnh tên dịch vụ là để phù hợp hơn với tình hình thực tế kinh doanh của các hãng hàng không. Tùy theo chiến lược kinh doanh, đội tàu bay, chất lượng dịch vụ của mình, các hãng sẽ chủ động phân thành các hạng vé với điều kiện, dịch vụ khác nhau. "Trong đó, hạng phổ thông cơ bản là hạng vé đáp ứng được nhu cầu cơ bản của hành khách khi tham gia vận chuyển bằng đường hàng không, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn sử dụng nhất, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số vé cung ứng của hãng hàng không” - Công văn của Bộ Giao thông - Vận tải nêu.

Trong thời gian vừa qua, để tạo tính chủ động của các hãng hàng không, Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 9-5-2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cũng chỉ quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa. "Việc quy định mức tối đa đối với các vé như hạng C hay hạng Phổ thông đặc biệt sẽ hạn chế việc đầu tư, nâng cấp, đa dạng hóa sản phẩm của các hãng hàng không, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đánh giá tác động cụ thể việc quy định mức tối đa với các hạng vé này tới hoạt động sản xuất, kinh doanh các hãng hàng không chưa được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” - lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải phân tích.

Cũng tại công văn này, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị bổ sung dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không vào tiểu mục g, khoản 5, Điều 8, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) về trường hợp hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ mà không bị coi là hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Trước đó, tháng 5-2023, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã có ý kiến thống nhất với các hãng hàng không Việt Nam về việc đề nghị bổ sung dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không vào khoản 5, Điều 8, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, dịch vụ vận chuyển hàng không cũng như các loại hình vận tải khác là loại hàng hóa, dịch vụ không lưu kho được. Kể từ khi đóng cửa tàu bay thực hiện chuyến bay, thì những chỗ chưa được bán trên chuyến bay là ghế trống và không còn giá trị sử dụng. Bên cạnh đó, giá dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không thực hiện theo cơ chế linh hoạt với nhiều dải giá tùy tình hình thị trường, điều kiện vé, thời điểm xuất vé… Dịch vụ vận chuyển hàng không có tính thời vụ cao, biến động theo thời điểm rất rõ rệt. Tùy thuộc nhu cầu đi lại của hành khách, kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không thường có mùa cao điểm, mùa thấp điểm; chuyến bay có giờ bay phù hợp sẽ có nhiều hành khách mua vé, thậm chí sẵn sàng trả giá cao có thể mua được vé sát giờ bay, điều kiện linh hoạt, chất lượng dịch vụ cao theo nhu cầu của khách hàng.

Do vậy, việc các hãng hàng không đưa ra nhiều dải giá phù hợp theo từng chuyến bay, thời gian bay của từng thời vụ, thời điểm là rất cần thiết. Đối với những chuyến bay trong mùa thấp điểm, giờ bay muộn, thường có giá vé phù hợp nhằm khuyến khích hành khách để lấp đầy chỗ trống trên tàu bay. Doanh thu, chi phí của các hãng hàng không sẽ được tập hợp theo chuyến bay, chặng bay, chứ không phải theo từng vé cung ứng.

Hãng bay muốn bỏ trần

Trước đó, vào cuối tháng 3-2023, trong văn bản góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Vietnam Airlines đề nghị đưa dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa ra khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bởi cạnh tranh ngày càng cao trên thị trường vận chuyển hàng không nội địa, nên giá dịch vụ phải được điều chỉnh theo cơ chế thị trường. "Chính vì vậy, việc tiếp tục áp dụng khung giá sẽ làm hạn chế khả năng và động lực khuyến khích phát triển của các hãng hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không truyền thống, cung cấp thêm sản phẩm chất lượng cao với dịch vụ, tiện ích tương ứng với giá vé để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của hành khách”, đại diện Vietnam Airlines phân tích. Bên cạnh đó, theo Vietnam Airlines, việc duy trì trần giá vé còn gây “méo mó” cung - cầu.

Giá trần - giá sàn vé máy bay mới đây cũng đã làm “nóng” nghị trường Quốc hội khi một số đại biểu bày tỏ nên bỏ giá trần và giá sàn vé máy bay. Trong đó có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định về khung giá, đưa mặt hàng này thực hiện hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Nhiều ý kiến ủng hộ tiếp tục giữ quy định như dự thảo, Nhà nước định giá tối đa (giá trần) để đảm bảo lợi ích nhân dân, thúc đẩy kinh tế xã hội. Có ý kiến đề nghị giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn. Có ý kiến đề nghị chỉ định giá đối với hạng vé phổ thông.

Trước đó, khi xây dựng Luật Giá sửa đổi, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận được kiến nghị liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa. Cụ thể, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) kiến nghị bỏ quy định khung giá trần nội địa đối với dịch vụ vận tải hàng không.

Các doanh nghiệp này cũng kiến nghị quy định việc hạ giá bán đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không mà không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh và pháp luật chống bán phá giá hàng nhập khẩu. Tại cuộc họp vào cuối tháng 4-2023 với Bộ Tài chính, doanh nghiệp hàng không cũng đã tiếp tục đưa ra kiến nghị về nội dung này. Tuy nhiên, trong văn bản gửi tới Cục Hàng không, Bộ Giao thông - Vận tải, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, việc bỏ hay duy trì trần giá vé máy bay là thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Giao thông - Vận tải, không liên quan đến Bộ Tài chính.