Giá vàng kết thúc quý I/2022 với mức tăng ấn tượng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giá vàng đã kết thúc quý I/2022 với mức tăng ấn tượng chủ yếu bắt nguồn từ xung đột Nga – Ukraine. Triển vọng kim loại quý trong phần còn lại của năm vẫn được cho là tươi sáng.

Sáng nay, giá vàng trong nước đồng loạt tăng vượt 69 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Trong đó, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng giá bán vàng SJC thêm 300 nghìn đồng mỗi lượng, niêm yết mức 68,45 – 69,15 triệu đồng/lượng tại TP.HCM, 68,45 – 69,17 triệu đồng/lượng tại Hà Nội.

Trên thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh vàng niêm yết giá vàng chiều mua vào dao động quanh 68,40 triệu đồng/lượng; chiều bán ra quanh mức 69,10 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước tăng trong bối cảnh vàng thế giới tăng nhẹ hôm thứ Năm (đêm qua theo giờ Việt Nam), khi nhiều nhà đầu tư mua vào ở mức giá thấp đầu phiên. Giá dầu tăng tốt từ mức thấp hàng ngày sau khi giao dịch giảm mạnh vào đầu giờ cũng hỗ trợ thị trường kim loại.

Đặc biệt, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa sẽ ngừng xuất khẩu khí đốt của nước này nếu các nước “không thân thiện” từ chối thanh toán bằng đồng rúp đã gia tăng sức hút của kim loại quý. Tuyên bố này đã đặt châu Âu vào một tình thế khó khăn và làm tăng rủi ro về áp lực giá cả.

Đáp lại, vàng đã hồi phục, bù đắp tất cả các khoản lỗ trong phiên và chốt phiên với mức tăng 4,3 USD, lên trên 1.937 USD/ounce.

Giá vàng đã tăng 6% trong quý I/2022

Giá vàng đã tăng 6% trong quý I/2022

Như vậy, thị trường vàng đang kết thúc quý đầu tiên của năm 2022 với mức tăng tốt nhất kể từ quý 3 năm 2020. Trong quý, vàng đã có lúc đạt mức cao kỷ lục mới trên 2.060 USD/ounce.

Vàng đã tăng hơn 6% trong quý I-2022 chủ yếu đến từ cuộc xung đột Nga – Ukraine. Bất ổn địa chính trị cùng với lạm phát có nguy cơ xoắn ốc đã gây ra một làn sóng mới đổ vào lĩnh vực này.

Ngoài ra, các tín hiệu suy thoái đường cong lợi suất như một tín hiệu báo hiệu suy thoái kinh tế, đã thúc đẩy dòng tiền vào môi trường trú ẩn an toàn. Các chiến lược gia hầu hết có chung nhận định chừng nào các cuộc đàm phán ngừng bắn và giảm leo thang chưa chắc chắn, thì các luồng tiền trú ẩn vẫn có khả năng giữ cho kim loại màu vàng chống lại các quyết định mang tính “diều hâu” của Fed.

Nhìn sang quý thứ hai, xung đột ở Ukraine sẽ vẫn là chủ đề chính. Nhưng trọng tâm sẽ chuyển sang cách Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chống lại lạm phát, với khả năng không loại trừ 2 lần tăng lãi suất 0,5% vào tháng Năm và tháng Sáu.

Các nhà phân tích cho rằng triển vọng đối với vàng vẫn tích cực trong thời gian còn lại của năm, khi khả năng suy thoái kinh tế ở Nga, châu Âu, Trung Quốc và Mỹ đang rất lớn.