Giá tăng bất thường, ai quản lý?

ANTĐ - Ba tuần sau quyết định điều chỉnh giá xăng dầu, cộng thêm tác động của cơn bão số 5 vừa qua, các loại hàng tiêu dùng thiết yếu và dịch vụ đã nhấp nhổm tăng giá.

Rau xanh tăng giá mạnh do xăng và mưa bão

Thịt cá, rau quả đồng loạt tăng

Lợi dụng ảnh hưởng của bão số 5, nhiều loại thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt, cá… đã tăng cùng đà với giá xăng được điều chỉnh trước đó 3 tuần. Khảo sát của phóng viên tại một số chợ dân sinh trên địa bàn TP cho thấy, giá cả các loại nhu yếu phẩm đã tăng khá mạnh. Tại chợ Mai Động, mỗi bó rau muống có giá 8.000 - 10.500 đồng, tăng 4.000 - 5.000 đồng/bó so với trước đó. Rau cải cũng tăng lên 8.000 - 10.000 đồng/bó (tăng 3.000 - 5.000 đồng so với tuần trước), bắp cải trắng tăng từ 8.000 lên 10.000 đồng/kg, mướp đắng có giá 12.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg… Đặc biệt, giá các loại thực phẩm tươi sống tăng rất mạnh. Cá tươi tại chợ Ngọc Hà (Quận Ba Đình, Hà Nội) tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Theo đó, cá rô phi loại từ 1 - 1,5kg là 65.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg). Cá chép từ 75.000 đồng/kg lên mức 80.000 đồng/kg… Riêng các loại thịt như thịt lợn, thịt bò, giá chỉ tăng nhẹ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. 

Chị Thúy, sinh sống trên phố Tuệ  Tĩnh than thở: “Mấy ngày nay giá rau xanh tăng mạnh quá. Rau muống mua tại chợ Nguyễn Công Trứ có giá 10.000 đồng/bó, mướp 2 quả nhỏ cũng có giá 15.000 đồng. Thắc mắc thì người bán hàng nói, do xăng tăng và do mưa bão nhiều, rau bị dập nát. Theo nhiều tiểu thương tại chợ Long Biên (Hà Nội), thời gian qua nhiều loại quả, ngay sau khi giá xăng tăng, xu hướng tăng giá đã rõ rệt. Chị Bùi Thị Xuân, một tiểu thương tại chợ Long Biên cho hay, cách đây vài hôm, chôm chôm có giá là 25.000/kg thì nay đã là 30.000/kg, sầu riêng từ 36.000 đồng lên 40.000 đồng/kg… Tuy nhiên, chị Xuân cũng lo ngại, mức tăng này mới chỉ do các xe chở hàng tự cộng thêm chi phí đi lại mà chưa tính đến chi phí tăng theo vòng quay đầu vào của các sản phẩm nguyên liệu. Còn chị Oanh, một chủ bán hàng tạp hóa trên phố Thành Công cho biết, hiện một số nhà cung cấp đã có báo giá tăng vào tháng 9 tới. 

Chưa quản lý được giá

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tiêu thêm một đồng cũng khiến các bà nội trợ phải chật vật làm phép tính lương và giá.  Không chỉ lương thực, thực phẩm tăng giá, mà một số dịch vụ khác như truyền hình cáp đã có thông báo tăng phí từ tháng 9 tới đây.  Chị Đoàn Lan Anh, ở Khương Thượng cho biết: “Nhà tôi sử dụng dịch vụ truyền hình cáp Việt Nam, hôm vừa rồi nhân viên thu cước đến thông báo, từ tháng 9 sẽ tăng phí sử dụng”. Cụ thể, theo chị Lan Anh, từ tháng 9, thay vì phải nộp 88.000 đồng/tháng/tivi thứ nhất, chị sẽ phải đóng 110.000 đồng/tháng/tivi thứ nhất. “Mọi thứ đều ồ ạt tăng theo giá xăng là hệ lụy của việc quản lý còn lỏng lẻo. Các bộ, ngành thì cứ yêu cầu tăng cường kiểm tra, không để tăng bất hợp lý, nhưng người dân chưa thấy hiệu quả”, chị Lan An bày tỏ.

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội,  ông Vũ Vinh Phú cho rằng, tăng giá nhiên liệu đầu vào không minh bạch thời gian qua như một “cú đấm” vào các doanh nghiệp, làm sức mua vốn đã thấp nay còn suy giảm mạnh hơn. Dù rằng, đến thời điểm này giá cả tại các siêu thị ổn định, nhưng khi độ trễ của đợt tăng giá xăng này hết, chi phí đầu vào các mặt hàng tăng, nhà cung cấp bắt buộc phải tăng giá để bù đắp chi phí.

Mặc dù, vào thời điểm giá xăng tăng thêm 900 đồng/lít, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải đã yêu cầu các cơ quan quản lý thị trường phối hợp với các Sở Công Thương và các địa phương tăng cường kiểm soát thị trường, đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, nhằm tránh tối đa tình trạng hàng hóa tăng giá bất hợp lý. Tuy nhiên, những động thái quản lý giá cả của Bộ Công Thương cũng như Bộ Tài chính chỉ là trấn an dư luận. Dư luận không khỏi thắc mắc, như thế nào được coi là tăng giá bất hợp lý. Taxi tăng 1.000 đồng/km, trong khi giá xăng chỉ tăng 900 đồng/lít. Một chiếc taxi chạy 100km tối đa hết 15 lít xăng. Chi phí do xăng tăng chỉ mất 13.500 đồng, nhưng số tiền tăng lên đến 100.000 đồng, như vậy có là tăng giá bất hợp lý?