- Giám đốc lừa đảo chiếm đoạt tiền của 162 người thông qua hoạt động xuất khẩu lao động
- Mức tăng trợ cấp cụ thể một lần khi nghỉ hưu cho người lao động
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành công văn cảnh báo về việc xuất hiện đối tượng giả mạo văn bản của cơ quan này để lừa đảo người lao động.
Theo đó, cơ quan này cho biết, tại Bình Dương xuất hiện văn bản giả mạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam với số ký hiệu 2133/BHXH-CSYT ngày 1/7/2024 được gửi đến một trường tiểu học thuộc tỉnh Bình Dương qua email.
Trong văn bản có nội dung: “Điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP và triển khai Bảo hiểm số VSSID 4.0.
Đồng thời hủy sổ bảo hiểm, thẻ y tế và chuyển đổi số đồng loạt sang ứng dụng VSSID 4.0 bằng căn cước công dân gắn chíp.
Yêu cầu BHXH các tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện cập nhật mới ứng dụng VSSID 4.0 theo đúng quy định của Bộ Lao động. Người dân nhanh chóng cập nhật mới ứng dụng VSSID 4.0 theo sự hướng dẫn của cơ quan BHXH tỉnh bằng thiết bị di động cá nhân để đảm bảo được nhận đầy đủ thông tin và đầy đủ các quyền lợi của BHXH về sau”.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định đây là văn bản giả mạo, nhằm thông tin về ứng dụng VSSID 4.0 mà kẻ giả mạo lập trên app để lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân. Tiếp đó là đánh cắp tài khoản cá nhân, gây thiệt hại về tài chính của người dân, ảnh hưởng đến uy tín của ngành Bảo hiểm xã hội
Để kịp thời ngăn chặn hành vi có dấu hiệu lừa đảo và xử lý thông tin mạo danh Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong chỉ đạo thực hiện công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Công an nhân dân kịp thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị, người lao động trên địa bàn quản lý biết thông tin hình thức giả mạo văn bản.
Qua đó, để nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số.
Các đơn vị chỉ tiếp nhận và xử lý văn bản của Bảo hiểm xã hội Việt Nam gửi qua Hệ thống văn bản quản lý và điều hành (phần mềm Eoffice), hoặc trường hợp văn bản mật, văn bản giấy gửi theo hệ thống bưu cục Trung ương, Bưu điện.
Từ đó, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời nhận biết, ngăn chặn các thông tin giả mạo ngay từ khi phát hiện.
Các đơn vị khi nhận được các thông tin có dấu hiệu giả mạo, văn bản nhận không chính thống từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, và các cơ quan đơn vị trong ngành, cần báo cáo, phản ánh về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để kịp thời chỉ đạo thông tin trong toàn ngành, và cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.