Giá dầu ở mức bao nhiêu mới làm vừa lòng cả Nga và Saudi Arabia?

ANTD.VN - Nga và Saudi Arabia thời gian qua đã rất nỗ lực để làm tăng giá dầu, thông qua biện pháp cắt giảm sản lượng.

Hai thành viên chủ chốt trong tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) là Nga và Saudi Arabia thời gian qua đã bắt tay với nhau cắt giảm sản lượng nhằm đẩy giá dầu lên cao, nhưng mức giá bao nhiêu mới khiến họ hài lòng?

Theo nhận xét, không có bất cứ ngoại lệ nào trong lĩnh vực kinh doanh năng lượng, tất cả các nhà xuất khẩu dầu thô đều quan tâm đến việc tăng doanh số bán hàng và ở giữ mức giá càng cao càng tốt.

Nhưng bỏ qua mong muốn nói trên, mỗi nhà cung cấp đều có một ngưỡng lợi nhuận riêng. Hiện nay cuộc chạy đua giữa các đồng minh trong Tổ chức OPEC+, khi họ vừa là đối tác vừa là đối thủ cạnh tranh đang nóng lên, khi giá dầu thô giảm dần.

Nhà báo Javier Blas - một chuyên gia về thị trường năng lượng của hãng thông tấn Mỹ Bloomberg nhận xét, thông qua hành vi của các nhà cung cấp lớn trên thị trường dầu mỏ, chúng ta có thể nhận thấy ai trong số họ đang “bị dồn vào chân tường”.

Theo nhà phân tích, thái độ bình tĩnh của Nga trong việc vượt qua các lệnh trừng phạt và đối diện điều kiện thị trường không thuận lợi cho thấy Moskva ở trong tình cảnh dễ dàng hơn nhiều so với đối tác chủ chốt trong OPEC+ là Saudi Arabia.

Ước tính chi phí khai thác dầu thô ở Nga phổ biến vào khoảng 40 - 45 đô la Mỹ một thùng, mặc dù đối với các mỏ cũ sắp cạn kiệt, sản lượng từ các mỏ mới khó phục hồi, hoặc ở Bắc Cực sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng đắt hơn.

Với thực tế trên, biện pháp áp đặt mức giá trần đối với dầu thô xuất khẩu mà G7 đưa ra, cũng như việc giá dầu thô xuống thấp như hiện nay không gây ra nguy cơ lớn đối với Moskva, bởi các nhà sản xuất hài lòng với những gì họ có được.

Trong khi đó Saudi Arabia cần giá dầu ở mức bao nhiêu để cân bằng ngân sách, theo nhận xét từ chuyên gia Blas, ít nhất phải là 108 USD/thùng, nếu tính đến các khoản đầu tư trong nước của quỹ tài sản quốc gia.

Giá dầu thô thực tế hiện nay dao động quanh mức 77 USD/thùng, do vậy tồn tại sự khác biệt rất lớn giữa điều cần thiết và điều hiện có, cũng như với những gì đối tác chính trong tổ chức OPEC+ của Nga phải trải qua.

Trong lúc này, Riyadh không còn trong tay công cụ nào có thể làm thay đổi tình hình và khó có thể thành công, bởi họ đã chạm mức giới hạn cắt giảm sản lượng, họ thậm chí khó lòng mong đợi giá dầu lên mức 90 USD/thùng.

Một số ý kiến cho rằng quốc gia Trung Đông này nên thay đổi chiến thuật, cụ thể là thay vì cắt giảm sản lượng, hãy ngay lập tức "tháo khoán" và bơm ồ ạt dầu thô ra thị trường thế giới.

Điều này chắc chắn sẽ làm giá dầu thô giảm sâu trong ngắn hạn, nhưng sẽ loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, và sau đó sẽ có sự gia tăng nhu cầu dẫn tới mở rộng thị trường với xu hướng đi lên.

Mặc dù vậy, vương quốc giàu có tại Trung Đông vẫn chưa có ý định áp dụng phương thức này, thậm chí chưa từng cân nhắc đến, bất chấp vào giai đoạn năm 2017 - 2018, hướng đi trên đã mang lại kết quả rõ rệt.

Nga có cách tiếp cận cân bằng hơn, mặc dù bán rẻ hơn bởi còn cả khoản chiết khấu cho khách hàng thân quen, nhưng Moskva bán với số lượng lớn, bù đắp cho chính sách giá. Theo nhận xét, nếu Riyadh không sớm có bước đi thỏa hiệp, họ sẽ phải hối hận.