Ghế phóng trên tiêm kích F-35B mất tích là nguyên nhân gây tai nạn thảm khốc?

ANTD.VN - Một phi công Thủy quân lục chiến Mỹ đã nhảy dù khỏi chiếc tiêm kích F-35B của anh ta trong khi hoạt động gần Charleston, Nam Carolina vào hôm 17/9/2023.

Bất chấp sự sống sót của phi công, tai nạn với tiêm kích F-35B đã thu hút nhiều chú ý. Tin tức này đã gây ra nhiều bình luận trên nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây là twitter).

Các chuyên gia cho rằng sự cố với máy bay có thể là do thiết kế kỹ thuật. Hoạt động tìm kiếm chiếc tiêm kích đang diễn ra một cách khẩn trương nhằm xác định chính xác nguyên nhân.

Lockheed Martin - nhà thầu sản xuất F-35 Lightning II đã biết về vụ việc và gửi lời cảm ơn vì phi công đã nhảy dù an toàn, họ đang hỗ trợ điều tra. F-35B có tầm hoạt động hơn 900 hải lý, tương đương gần 1.500 km.

Ông Russ Goemaere - người phát ngôn của Văn phòng Chương trình F-35 cho biết sự an toàn và sức khỏe của phi công là rất quan trọng.

Họ đặt mục tiêu hợp tác với Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC), ngành công nghiệp quốc phòng và tất cả các bên liên quan trong cuộc điều tra đang diễn ra, hãng tin Breaking Defense cho biết thêm.

Khả năng tàng hình của máy bay phản lực mất tích khiến việc xác định vị trí của nó trở nên khó khăn hơn. Cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra tung tích chính xác, có thể suy đoán máy bay đã kích hoạt chế độ lái tự động sau khi phi công phóng ra.

Một phát ngôn viên của Căn cứ Không quân Thủy quân lục chiến Beaufort không xác nhận lý thuyết về cơ chế lái tự động mà chỉ nói rằng vụ việc đang được điều tra. Chiếc tiêm kích F-35B mất tích thuộc phi đội huấn luyện VMFAT-501.

Theo nhà phân tích Gertler từ Teal Group, nếu F-35 vẫn bay trên không thông qua chế độ lái tự động thì có khả năng nó đã hết nhiên liệu. Mặc dù chuyến bay không người lái có thể thực hiện được, nhưng điều kiện vật lý cuối cùng sẽ gây trở ngại.

Gertler giải thích rằng cơ chế loại bỏ nắp buồng lái của máy bay và nguy cơ hư hỏng từ lối thoát hiểm của phi công có thể ảnh hưởng đến đặc tính khí động học của chiếc tiêm kích.

Ngoài ra, việc sử dụng động cơ tên lửa lắp đặt ở ghế phóng phi công có thể vô tình làm hỏng thiết bị điện tử trung tâm của buồng lái, khi đây là những khí tài có độ nhạy cảm rất cao.

Sau khi kiểm tra thêm đường bay của chiếc F-35B, chuyên gia Gertler tin rằng có thể đưa ra dự đoán chính xác hơn về vị trí của máy bay nếu nó thực hiện chế độ tự hành.

Nhấn mạnh khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng tiên tiến của phiên bản F-35B, nhà phân tích nhận xét:“Nếu máy bay lơ lửng thì mảnh vỡ sẽ ở gần địa điểm phóng ghế phi công, nhưng thực tế không phải vậy”.

Tình hình còn phức tạp hơn khi ấn phẩm Washington Post đưa tin rằng bộ phát đáp của máy bay không hoạt động.

Chuyên gia Gertler gợi ý: “Nếu máy bay bị rơi sau khi cất cánh, bộ phát đáp lẽ ra phải hoạt động ở độ cao thấp như vậy. Nếu cao hơn, mảnh vỡ máy bay có thể đã trôi xa và bộ phát đáp có thể tắt sau khi phi công phóng ra”.

Chuyên gia Gertler cũng lưu ý đến khả năng tàng hình mạnh mẽ của chiếc máy bay chiến đấu, khiến nó gần như vô hình trước radar, nhưng F-35 vẫn thường sử dụng thấu kính Lunenberg để tăng tín hiệu phản xạ radar trong các chuyến bay tập.

Dựa trên thực tế này, ông Gertler hy vọng rằng chiếc máy bay mất tích sẽ được trục vớt thành công. Điều này sẽ đánh dấu lần thu hồi F-35 từ dưới nước thứ ba trong lịch sử hàng không toàn cầu, sau trường hợp tại Nhật Bản và Anh.