Gazprom cảnh báo những nước tái xuất khẩu khí đốt Nga vào Ukraine

ANTĐ -  Ba Lan, Hungary và Slovakia đã cùng nhau tái xuất khẩu 1,7 tỉ m3 khí đốt Nga trở lại Ukraine, đại diện của Gazprom, tập đoàn khí đốt lớn nhất nước Nga cho biết vào hôm 3/10 và khẳng định đây là hành vi vi phạm hợp đồng nghiêm trọng.

“Có đầy đủ nguyên nhân để chứng minh rằng khí đốt Nga đã được chuyển tới Ukraine một cách trái phép. Nó đã được thực hiện thông qua đường dẫn khí đốt ngược dòng mà các công ty năng lượng ở Ukraine, Ba Lan, Hungary và Slovakia xây dựng lại. Nga đã thấy rõ được tất cả các hoạt động này”, Phó Chủ tịch tập đoàn Gazprom, Aleksandr Medvedev cho hay.

Những thông tin này được thu thập theo yêu cầu của ông Vladimir Gutenev, phó Chủ tịch Uỷ ban Cộng Nghiệp của Hạ viện Nga.

Gazprom cảnh báo những nước tái xuất khẩu khí đốt Nga vào Ukraine ảnh 1
Gazprom kiên quyết không để khí đốt tái xuất khẩu trái phép vào Ukraine

Tổng cộng 3,8 tỉ m3 khí đốt đã được chuyến tới Ukraine từ Slovakia, Ba Lan và Hungary trong giai đoạn từ 2012 – 2014 và 1,7 tỉ m3 khác đã được chuyển từ đầu năm 2014 đến nay.

Điều này đã chỉ ra rằng tập đoàn Naftogaz của Ukraine và các đối tác châu Âu khác không tuân theo hợp đồng đã thoả thuận với Gazprom, ông Aleksandr Medvedev cho biết.

Sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine vì vấn đề tiền nợ, chính quyền Kiev đã phải tìm cách đàm phán với các đối tác châu Âu nhằm đa dạng hoá nguồn cung và giúp giải quyết vấn đề năng lượng.

Là đầu mối cung cấp, Gazprom đã cảnh báo rằng đây là hành động phá vỡ điều khoản hợp đồng và đã cắt giảm một phần lượng khí đốt chuyển tới Ba Lan và Slovakia, khiến 2 nước này buộc phải ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine vào cuối tháng 9. Hungary cũng tuyên bố sẽ sớm dừng việc bán khí đốt cho Ukraine do những sức ép từ Nga và dự đoán nhu cầu nội địa tăng cao trong những tháng tới.

Hiện tại Nga và Ukraine đã đi đến một tuyên bố chung về vấn đề khí đốt, qua đó, Ukraine sẽ trả trước 3,1 tỉ USD cho Nga và Gazprom sẽ bán thêm 5 tỉ m3 khí đốt để giúp Ukraine vượt qua mùa đông năm nay. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một cam kết bằng văn bản chính thức nào được kí giữa 2 bên.