Gây tai nạn khiến 3 người CLB Hoàng Anh Gia Lai tử vong có thể bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ tai nạn giao thông làm 3 thành viên CLB Hoàng Anh Gia Lai tử vong, đối tượng gây tai nạn sẽ bị xử lý ra sao, trách nhiệm bồi thường đến đâu?

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án, quyết định tạm giữ hình sự đối với Đinh Tiến Bình (SN 1987; trú tại thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Theo kết quả điều tra ban đầu, cơ quan Công an xác định nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn giao thông trên lỗi thuộc về Đinh Tiến Bình vượt xe khi chưa bảo đảm các điều kiện an toàn, thiếu chú ý quan sát, không giữ khoảng cách an toàn dẫn đến tông trực tiếp vào đuôi xe ô tô biển kiểm soát 81A-004.70; sau đó, mất kiểm soát tay lái tiếp tục tông vào bên trái xe ô tô biển kiểm soát 81A-004.70 bên làn đường ngược lại gây ra tai nạn.

Hành vi của Đinh Tiến Bình vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 14 Luật GTĐB 2008; có dấu hiệu về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS 2015.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông làm 3 thành viên CLB Hoàng Anh Gia Lai tử vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông làm 3 thành viên CLB Hoàng Anh Gia Lai tử vong

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo điều luật trên, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Trường hợp phạm tội làm chết 3 người trở lên thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

Bên cạnh đó, cá nhân vi phạm còn phải chịu trách nhiệm dân sự, thực hiện nghĩa vụ bồi thường các khoản chi phí mai táng, chi phí cấp dưỡng, bồi thường tổn thất về mặt tinh thần, chi phí thiệt hại về tài sản cho các bị hại.

Như vậy, trong vụ việc này, lái xe ben có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất lên tới 15 năm tù. Đồng thời, có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra.

Về bồi thường do sức khỏe, tinh thần bị xâm phạm, theo Điều 590 BLDS 2015, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định…

Ngoài ra, người gây ra tai nạn giao thông còn phải bồi thường, khắc phục hư hỏng về tài sản bị thiệt hại. Điều 589 BLDS 2015 quy định, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.