- "Vô diện sát nhân" bị dán nhãn C18 khi ra rạp, nhà sản xuất nói gì?
- Phương Ly ra MV mới, thuyết phục được JustaTee lần đầu diễn xuất
- Huyền Trang "Sao Mai" ra mắt MV xúc động được quay tại nghĩa trang Trường Sơn
"Những anh hùng thế kỷ XX" được sản xuất bởi Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số (VTV Digital) của Đài Truyền hình Việt Nam, phát sóng trên chương trình "Chuyển động 24h" và các nền tảng số của VTV Digital. Chương trình khai thác những câu chuyện về lịch sử qua lời kể của chính những nhân vật bằng ngôn ngữ của người trong cuộc, góc nhìn chiêm nghiệm về quá khứ, về một thời tuổi trẻ nơi trận mạc. Tại đây, người xem sẽ có dịp được gặp gỡ những nhân vật mà có thể trước đó đã được biết qua sách, nghe qua lời kể nhưng giờ đây mới có cơ hội được nhìn thấy và nghe họ trò chuyện.
Nhà báo Thành Vũ |
Chia sẻ về quyết định thực hiện chương trình này, nhà báo Thành Vũ - đại diện êkip sản xuất cho biết, cho tới giờ vẫn chưa có một chương trình quy mô nào về chân dung những người anh hùng của thế kỷ XX - những người thuộc thế hệ đi trước đã xả thân trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để bảo vệ và gìn giữ độc lập dân tộc.
Chiến tranh đã đi qua nhưng những con số của sự mất mát thì vẫn ở lại mãi và những con số khiến những người ngày hôm nay phải suy nghĩ rất nhiều. Đó là 127.000 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng có chồng, con hi sinh, là gần 13.000 Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và Anh hùng Lao động, là gần 800.000 Thương binh và người được hưởng chính sách như Thương binh, là hơn 300.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam, là gần 111.000 người hoạt động cách mạng, người tham gia kháng chiến bị địch bắt giam, tù đày, tra tấn trong các nhà tù nổi tiếng như Nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Lao Bảo, Côn Đảo, Phú Quốc…
Chương trình này được ra đời với suy nghĩ nếu bây giờ không kịp ghi hình khi họ còn sống để làm phóng sự tài liệu, lưu lại những câu chuyện lịch sử sống động cho nhiều thế hệ về sau thì rất có thể có thể không còn cơ hội đó nữa. Bởi thế hệ những người chiến sĩ ưu tú trải qua hai cuộc kháng chiến này hiện đã rất cao tuổi, nhiều người không còn nữa. Vì vậy giờ là lúc tìm tới họ, để họ kể lại những câu chuyện đời mình, để hậu thế trân trọng và tự hào về lịch sử Việt Nam thế kỷ XX.
"Nếu bây giờ chúng ta không làm thì có thể là không bao giờ làm điều đó được nữa." - nhà báo Thành Vũ bày tỏ.
Cũng theo nhà báo Thành Vũ, trong quá trình ghi hình, các thành viên trong êkip đã vô cùng xúc động khi nghe những câu nói thành thật từ nhân vật của mình: "Các cháu hỏi gì thì hỏi nhiều luôn, sợ mấy năm nữa không còn ai mà trả lời".
Theo đó, các nhân vật xuất hiện trong "Những anh hùng thế kỷ XX" đều được lựa chọn dưới sự tư vấn của Bộ Quốc phòng và Hội Cựu chiến binh. Đến với chương trình, người xem sẽ được gặp những nhân vật mà trước đây chỉ được biết qua sách giáo khoa, tài liệu học tập của học sinh như: anh hùng La Văn Cầu - huyền thoại sống của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong chiến dịch biên giới năm 1950, người đã nhờ đồng đội dùng lưỡi lê chặt đứt cánh tay bị thương để tiếp tục chiến đấu; là nữ anh hùng Phạm Thị Thao - tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn nữ TNXP anh hùng 232 vang dội một thời; là anh hùng Phạm Tuân - người đã lái máy bay MiG-21 vượt qua đội hình dày đặc máy bay F-4 của Mỹ, trở thành phi công vũ trụ đầu tiên của Việt Nam...
"Tôi nghĩ mỗi năm chúng ta sẽ có khoảng thời gian từ 2-3 tháng để phát hành những câu chuyện này, về những con người tuyệt vời này. Đây là khoảng thời gian gắn liền với các sự kiện quan trọng. Chúng tôi hy vọng những nhân vật chúng tôi đã được gặp gỡ, được ghi hình, những thước phim về họ sẽ là những tư liệu quý giá về lịch sử, về giá trị "vượt thời gian" gửi gắm cho hậu thế. Những thước phim này cũng có thể được đưa vào trường học để những giờ học lịch sử ý nghĩa và thấm thía hơn." - đại diện êkip sản xuất nói thêm.
Anh hùng Lao động, cựu chiến binh Lê Văn Kiểm và vợ |
Đồng hành cùng chương trình, Anh hùng lao động, cựu chiến binh Lê Văn Kiểm chia sẻ: bản thân mình là một cựu chiến binh, có cha là liệt sĩ, lớn lên trong sự đùm bọc, chở che của mẹ và những người đồng đội của mẹ, những người lính bộ đội cụ Hồ. Hoàn cảnh đó đã hình thành trong ông sự biết ơn, thương yêu và quý trọng những người lính. Qua chương trình này, ông có dịp hồi tưởng lại những chặng đường đã đi qua, sống lại với tinh thần người lính bộ đội Cụ Hồ.
"Để có ngày hôm nay, chúng ta phải ghi nhớ, biết ơn sự hy sinh của các thế hệ anh hùng, những người đã hy sinh bản thân hay một phần cơ thể mình để bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước. Với tôi, trách nhiệm của mình là phải luôn phấn đấu cống hiến cho xã hội, làm nhiều việc tốt đóng góp một phần nhỏ công sức của mình cho sự phát triển của đất nước, giúp đỡ những đồng đội, những người dân còn khó khăn để không phụ những anh hùng, những người lính bộ đội Cụ Hồ đã hy sinh bản thân mình để đánh đổi cuộc sống hòa bình ngày hôm nay." - Anh hùng Lao động, cựu chiến binh Lê Văn Kiểm nói thêm.