Gập ghềnh hiệp hội gạo asean

ANTĐ - Thái Lan một lần nữa muốn làm sống dậy ý tưởng thành lập Hiệp hội gạo ASEAN khi  lại đưa ra đề xuất thành lập hiệp hội gồm đại diện của 5 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất trong khối.
Thái Lan đề xuất lập Hiệp hội gạo ASEAN nhằm giúp nâng giá gạo để người dân được hưởng lợi

Đề xuất thành lập Hiệp hội gạo ASEAN (ASEAN Rice Association) một lần nữa được đại diện của Thái Lan đưa ra tại một hội nghị do Bộ Thương mại Thái Lan tổ chức với sự tham gia của 5 nước sản xuất và xuất khẩu gạo lớn nhất trong ASEAN là Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar. Theo đại diện của Thái Lan, việc đề xuất thiết lập Hiệp hội gạo ASEAN là nhằm nâng cao quyền đàm phán về giá bán cho các nước thành viên. 

Giải thích về việc tái đề xuất thành lập Hiệp hội gạo ASEAN, Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Yanyong Phuangrach cho rằng là những quốc gia xuất khẩu gạo lớn của khu vực và thế giới song cả 5 nước đều đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, nhất là vấn đề giá cả ngày một thấp. Ông Yanyong cho rằng nếu Hiệp hội gạo ASEAN được thành lập, các khó khăn trên sẽ được loại bỏ, đồng thời nó sẽ giúp ổn định thị trường và giảm bớt tính quyết liệt trong cạnh tranh buôn bán gạo.

Trước đó, vào tháng 8-2012, Thái Lan cũng đã từng đề xuất thành lập Hiệp hội gạo ASEAN với mong muốn thúc đẩy giá gạo xuất khẩu tăng 10%/năm. Ông Yanyong Phuangrach, khi đó còn là Thư ký thường trực Bộ Thương mại Thái Lan, dự báo sau khi Hiệp hội gạo ASEAN được thành lập, giá xuất khẩu gạo trắng chuẩn Thái Lan có thể tăng lên mức 660 USD/tấn so với mức 580-600 USD/tấn.

Tuy nhiên, đề xuất trên của Thái Lan không thành do những nước liên quan tỏ ra không mặn mà, trong khi các quốc gia nhập khẩu gạo trong ASEAN lại phản ứng. Đại diện của Philippines, một quốc gia nhập khẩu gạo, cho rằng Hiệp hội gạo ASEAN không những không thể giải quyết được vấn đề khủng hoảng lương thực toàn cầu, ngược lại sẽ “làm trầm trọng thêm đói nghèo”. 

Sau đề xuất bất thành, Thái Lan tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong hoạt động xuất khẩu gạo. Cuối năm 2012, Thái Lan để mất ngôi vị quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới về tay Việt Nam, đồng thời giá gạo xuất khẩu của Thái Lan vẫn liên tiếp sụt giảm, gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp của quốc gia từng nhiều năm đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.

Hiện 5 nước Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar đang đóng góp gần 20 triệu trong số 30 triệu tấn gạo cho thị trường thế giới, nhưng các nước này vẫn phải đối phó với hàng loạt khó khăn như giá cả bất ổn và không kiểm soát được theo hệ thống. Chính vì thế, theo ông Yanyong Phuangrach, 5 nước xuất khẩu gạo của ASEAN nên phối hợp cùng nhau để khẳng định vị trí trên thị trường gạo thế giới và Hiệp hội gạo ASEAN cần được thiết lập để tăng cường quyền đàm phán. 

Trong khi đó, theo một đại diện Agrow Enterprise, nhà môi giới sản phẩm nông nghiệp có trụ sở ở Bangkok, để ý tưởng thành lập Hiệp hội gạo ASEAN thành công, các nước liên quan cần bàn thảo và đi tới thống nhất. Nếu không tìm được tiếng nói chung, vị đại diện của Agrow Enterprise cho rằng một Hiệp hội gạo của các nước ASEAN khó có thể thành hiện thực.