Gắn kết để vượt qua vòng xoáy bất ổn an ninh

ANTD.VN - Thế giới vừa bước vào năm 2025 cùng dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với hàng loạt thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đòi hỏi lãnh đạo các quốc gia cùng cộng đồng quốc tế cần phải chung sức đồng lòng, gắn kết hợp tác để thoát khỏi vòng xoáy bất ổn.

Những thách an ninh truyền thống và phi truyền thống

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong một báo cáo đưa ra mới đây đã khẳng định, trong năm mới 2025, môi trường hòa bình, an ninh quốc tế tiếp tục gặp nhiều biến động. Vừa khép lại năm 2024 nhiều đau thương, mất mát và bước sang năm 2025, song thế giới vẫn tiếp tục bị chi phối bởi hệ lụy của các cuộc xung đột, bất ổn tại nhiều khu vực.

Để đối phó với những thách thức an ninh trong đó có thách thức an ninh phi truyền thông từ biến đổi khí hậu, cả thế giới phải cùng gắn kết hợp tác

Các cuộc xung đột quân sự tại Ukraine, Trung Đông, châu Phi… được cho sẽ tiếp tục là mối đe dọa an ninh toàn cầu trong năm nay sau một năm gây nhiều tổn thất về cả sinh mạng và vật chất. Theo Trung tâm Dữ liệu sự kiện và vị trí xung đột vũ trang (ACLED), số người thiệt mạng trong các cuộc xung đột năm 2024 tăng 30% so với năm 2023, từ 179.099 người lên 233.597 người.

Cuộc xung đột quy mô lớn giữa Nga và Ukraine năm qua bước sang năm thứ ba với mức độ chiến sự gia tăng khốc liệt và phạm vi được mở rộng. Lo ngại sâu sắc hơn là xung đột quân sự tại Ukraine dần trở thành cuộc đối đầu giữa Nga với Mỹ và phương Tây làm gia tăng căng thẳng địa chính trị trong phần còn lại của thế giới.

Trung Đông tiếp tục chìm trong một năm nóng rực với các mâu thuẫn và xung đột quân sự đan xen giữa nhiều quốc gia, nhiều lực lượng. Tình hình leo thang căng thẳng, bất ổn và xung đột kéo theo sự can dự của nhiều quốc gia trong khu vực và cường quốc thế giới, đẩy Trung Đông vào vòng xoáy bất ổn chưa có hồi kết. Các nỗ lực hòa giải từ quốc tế chưa mang lại kết quả, khiến nguy cơ một cuộc chiến tranh quy mô lớn tiếp tục gia tăng.

Chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ cuối năm 2024, đánh dấu bước ngoặt lớn tại Trung Đông sau nhiều năm nội chiến. Sự kiện này có thể tạo ra khoảng trống quyền lực tại Syria, làm dấy lên lo ngại về sự gia tăng ảnh hưởng của các tổ chức cực đoan trong khu vực. Nhiều quốc gia đang có những toan tính riêng giữa lúc cộng đồng quốc tế đang nỗ lực giàn xếp. Nhưng xung đột nội bộ và bất ổn chính trị vẫn tiếp tục là thách thức lớn không chỉ với Syria mà cả khu vực Trung Đông cũng như trên thế giới.

Trong khi đó, tại châu Âu, các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6-2024 đã chứng kiến sự trỗi dậy của lực lượng chủ nghĩa dân tộc và cực hữu tại hàng loạt quốc gia như Áo, Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp và Italia. Xu hướng này làm gia tăng sự chia rẽ trong Liên minh châu Âu (EU), đe dọa các giá trị cốt lõi về tự do và dân chủ. Sự trở lại của chủ nghĩa dân tộc và bài ngoại đặt ra những thách thức lớn đối với sự đoàn kết của khu vực trong bối cảnh suy thoái kinh tế và bất ổn xã hội.

Châu Á cũng không nằm ngoài vòng xoáy bất ổn chính trị. Chính trường Hàn Quốc xáo trộn khi cả Tổng thống, quyền Tổng thống đối mặt phiên luận tội vì trách nhiệm liên quan việc ban bố tình trạng thiết quân luật. Căng thẳng lại gia tăng trên bán đảo Triều Tiên với những động thái chạy đua quân sự, đẩy mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên xuống mức thấp...

Cùng với những thách thức an ninh truyền thống, thách thức an ninh phi truyền thống năm 2024 cũng trỗi dậy, nghiêm trọng hơn. Năm qua là năm nóng nhất trong lịch sử với hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ tại Việt Nam, Mỹ, Tây Ban Nha… và lần đầu tiên trong 130 năm, núi Phú Sĩ không có tuyết. Trí tuệ nhân tạo tiếp tục tác động sâu rộng đến các lĩnh vực từ y tế, giáo dục đến quốc phòng và công nghiệp. Các công nghệ AI tiên tiến nâng cao hiệu suất lao động và thúc đẩy sự đổi mới, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về đạo đức, an ninh thông tin và quản lý.

Khởi đầu mới cho một thế giới gắn kết

Thế giới vì thế bước sang năm mới 2025 song vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ gây mất an ninh, từ xung đột vũ trang, xung đột địa chính trị, khủng bố… đến các thảm họa tự nhiên và các cuộc tấn công mạng, mất an ninh mạng. Những mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia mà còn đe dọa hòa bình và ổn định toàn cầu.

Theo giới phân tích chính trị, thế giới trong năm nay đứng trước một số nguy cơ nghiêm trọng đe dọa an ninh, ổn định. Trước hết là các xung đột địa chính trị và quân sự. Căng thẳng ở châu Âu với cuộc xung đột tại Ukraine tiếp tục gây bất ổn trong khu vực và đe dọa an ninh năng lượng toàn cầu. Căng thẳng tại Trung Đông trước sự leo thang xung đột ở Israel, Gaza và các vùng lân cận có nguy cơ kích hoạt các cuộc tấn công khủng bố và bạo lực. Ở Biển Đông và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các tranh chấp lãnh thổ và sự gia tăng hoạt động quân sự hóa gây lo ngại về nguy cơ đối đầu giữa các cường quốc.

Thế giới tiếp tục đối mặt với nguy cơ khủng bố và bạo lực cực đoan. Các cuộc tấn công của các nhóm cực đoan, trong đó có các tổ chức khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Al-Qaeda tiếp tục hoạt động ngầm, lợi dụng các sự kiện đông người để thực hiện tấn công. Nhiều quốc gia đối mặt với các vụ tấn công từ các nhóm cực đoan nội địa hoặc các cá nhân bị cực đoan hóa.

Thảm họa tự nhiên và biến đổi khí hậu là thách thức an ninh phi truyền thống khi thiên tai, bão lũ và động đất tại các khu vực như Đông Nam Á, Nam Á và Mỹ Latinh có nguy cơ cao gây thiệt hại lớn về người và của. Biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán và cháy rừng ngày càng trầm trọng, đe dọa sinh kế và an ninh lương thực.

Thêm vào đó, tấn công mạng và an ninh thông tin gia tăng khi tội phạm mạng gia tăng chóng mặt trong thời gian qua gây ra nhiều hệ luỵ to lớn cho các các tổ chức và cá nhân. Các cuộc tấn công mạng và lừa đảo trực tuyến có thể tăng mạnh, các hoạt động gián điệp mạng cũng tinh vi hơn, các quốc gia và tổ chức phi nhà nước tiến hành các cuộc tấn công nhằm đánh cắp thông tin nhạy cảm hoặc làm gián đoạn hệ thống mạng.

Bất ổn kinh tế - xã hội là một nỗi lo lớn khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu với các vấn đề như lạm phát, suy giảm kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng đang gây áp lực lớn đối với các quốc gia đang phát triển. Trong khi các cuộc biểu tình và bất ổn xã hội vẫn diễn ra bởi sự bất mãn với chính sách kinh tế, xã hội dẫn đến các cuộc biểu tình, đình công tại nhiều quốc gia. Ngoài ra, nguy cơ từ các đại dịch và dịch bệnh mới cũng gây mối lo ngại cho an ninh toàn cầu. Sự xuất hiện của các biến thể virus mới tiềm ẩn rủi ro với thế giới trong năm 2025.

Các nguy cơ, thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang đòi hỏi sự sẻ chia, phối hợp, chung sức đồng lòng để cùng hợp tác quốc tế của các quốc gia cũng như cả cộng đồng quốc tế. Những thách thức an ninh khu vực và toàn cầu đòi hỏi cả thế giới phải đề cao tinh thần đoàn kết, hòa giải, sẵn sàng đặt an toàn, tính mạng của người dân lên hàng đầu mới để cùng hợp tác giải quyết hiệu quả.

Trong phần cuối của thông điệp đón chào năm mới 2025, dù nhìn nhận chưa có gì bảo đảm chắc chắn về năm 2025, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh tới nỗ lực hướng đến thiết lập một tương lai hòa bình, bình đẳng, ổn định và lành mạnh cho tất cả mọi người. Ông khẳng định: “Cùng nhau, chúng ta có thể biến năm 2025 thành một khởi đầu mới. Không phải là một thế giới chia rẽ, mà là một thế giới gắn kết”.