|
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị |
Chiều 25-12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024), Quốc hội đã hoàn thành khối lượng nhiệm vụ lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với việc thông qua 18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến lần đầu về 10 dự án luật và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác, đa số là do Chính phủ trình.
Trong số 18 luật, 4 nghị quyết, có 1 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2024; 2 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025; 1 luật có hiệu lực 15-1-2025, 1 luật có hiệu lực từ 1-2-2025, 2 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025; 1 luật có hiệu lực từ 1-1-2026, 2 nghị quyết có hiệu lực từ 1-4-2025, các nghị quyết còn lại có hiệu lực thi hành kể từ ngày Quốc hội thông qua.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long báo cáo tại hội nghị |
Phó Thủ tướng cho biết thêm, ngay sau khi kết thúc kỳ họp của Quốc hội, các Bộ đều đã khẩn trương nghiên cứu, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết. Các bộ cũng đã chủ động rà soát, lập Danh mục văn bản quy định chi tiết để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành (Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 19/12/2024).
Theo đó, để quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải ban hành 130 văn bản. Một số luật phải ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết như Luật Điện lực (29 văn bản), Luật sửa 9 Luật trong lĩnh vực tài chính (15 văn bản), Luật Di sản văn hóa (16 văn bản)…
Để triển khai thi hành các luật, Chính phủ yêu cầu các Bộ tập trung nguồn lực ban hành đúng tiến độ 83 văn bản quy định chi tiết các luật đã được thông qua từ Kỳ họp thứ 7 trở về trước và ban hành đúng tiến độ 130 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Với khối lượng văn bản cần ban hành rất lớn trong khoảng thời gian ngắn, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải cùng "chung tay", góp sức và nâng cao trách nhiệm trong việc phối hợp soạn thảo, thẩm định, cho ý kiến nhằm ban hành các văn bản bảo đảm chất lượng, tiến độ.
|
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhắc lại, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, là số lượng dự án luật cao nhất được thông qua tại một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trong số các luật được thông qua có những luật mới, khó, có nội dung phức tạp.
Qua rà soát sơ bộ, Chủ tịch Quốc hội cho biết hiện có gần 700 nội dung được giao trong 18 luật và 10 nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ở trung ương và chính quyền địa phương quy định chi tiết.
"Đây là thách thức rất lớn khi đặt trong bối cảnh các cơ quan trong hệ thống chính trị hiện đang tập trung thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, khẩn trương chuẩn bị cho kỳ họp bất thường của Quốc hội cuối tháng 2-2025..." - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trước những yêu cầu, nhiệm vụ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan cần quan tâm một số vấn đề lớn. Cụ thể:
Đối với việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, ban hành mới các luật, nghị quyết để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy: Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư pháp, dự kiến có khoảng 4.922 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có 167 luật, 9 nghị quyết của Quốc hội, 10 pháp lệnh, 02 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 829 nghị định, 271 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 01 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 3.642 văn bản cấp bộ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan khẩn trương tổ chức rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung và phương án cụ thể để xem xét, bổ sung vào Chương trình; kịp hoàn thiện, trình Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường cuối tháng 2-2025, đảm bảo chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua.
Đối với việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội đề nghị từng Bộ, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo cần bám sát yêu cầu tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tập trung chỉ đạo để xây dựng, ban hành văn bản đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Về việc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 gắn với công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý các dự thảo luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại các phiên họp tháng 2 và tháng 3-2025.