Gần 60% doanh nghiệp công nghệ thông tin chuyển từ gia công sang Make in Vietnam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết, tính đến hết năm 2022, cả nước có khoảng 70.000 doanh nghiệp công nghệ số, đóng góp hàng tỷ USD cho hoạt động xuất khẩu.
Doanh nghiệp Việt Nam đã thành công trong sản xuất thiết bị 5G

Doanh nghiệp Việt Nam đã thành công trong sản xuất thiết bị 5G

Năm 2022, doanh thu lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin- truyền thông (ICT) ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử năm 2022 ước đạt 136 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022. Xuất siêu nhóm sản phẩm này năm nay đạt hơn 26 tỷ USD, tăng mạnh so với con số 4 tỷ USD của năm ngoái.

Đáng chú ý, lần đầu tiên doanh thu giải pháp, dịch vụ phần mềm của 1 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại nước ngoài đạt hơn 1 tỷ USD; tổng doanh thu tại thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ CNTT đạt hơn 2,2 tỷ USD.

Theo Bộ TT-TT, số doanh nghiệp công nghệ số đăng ký hoạt động năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,6% so với năm 2021 và đạt kế hoạch của Bộ đề ra năm 2022, tuy nhiên chỉ có 44.000 doanh nghiệp đang thực sự hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số.

Khoảng 60% số doanh nghiệp đang làm gia công đã chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm mang lại giá trị cao. Nhờ vậy, tỷ lệ giá trị Việt Nam/doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 27%, tăng 2,35% so với năm 2021.

Công nghiệp ICT được xác định là ngành công nghiệp mũi nhọn trong thời điểm hiện nay. Do đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sản xuất, cho ra đời sản phẩm mới. Điển hình là việc doanh nghiệp Việt Nam đã thành công trong nghiên cứu - phát triển và sẵn sàng thương mại hóa thiết bị 5G. Hiện các thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất đã được lắp đặt trên mạng lưới để cung cấp dịch vụ mạng cho người dân sử dụng ở một số khu vực như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn cũng tăng cường đầu tư R&D (nghiên cứu và phát triển) tại Việt Nam. Năm 2022, đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chuyển hướng từ đầu tư cho gia công sản xuất sang đầu tư cho nghiên cứu phát triển, bằng việc thiết lập các trung tâm R&D tại Việt Nam, với một số doanh nghiệp tiêu biểu như: Samsung, Qualcomm, Panasonic, Intel, Synopsys, ACE…