FULRO - BÓNG MA ÁM ẢNH TÂY NGUYÊN (3): QUYẾT TÂM XÓA SỔ FULRO

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tiếp nhận Chỉ thị của Trung ương Đảng và các kế hoạch của Bộ Nội vụ, trước việc sử dụng vũ trang âm mưu chống phá cách mạng của Fulro, tại các tỉnh Tây Nguyên, hàng chục chuyên án chống Fulro của ta được triển khai. Bên cạnh đấu tranh vũ trang, tiêu diệt và bóc gỡ, nhờ công tác vận động quần chúng, chú trọng thực hiện hiệu quá các chính sách kinh tế-xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dần dần chúng ta xây dựng được nhiều mạng lưới cơ sở tốt, chuẩn bị cho cuộc phản công. Phương châm giải quyết vấn đề Fulro lúc đó là: Người về, vũ khí về, tư tưởng về…

Fulro, dưới bàn tay giật dây của các thế lực thù địch với nước ta, là một tổ chức phản động cực kỳ nguy hiểm. Cái tên của tổ chức ấy gắn với sự đen tối, là bóng ma hãi hùng ám ảnh vùng đất Tây Nguyên trong nhiều thập niên qua.

Mặc dù hiện nay, về cơ bản, tổ chức Fulro đã bị xóa sổ, nhưng tàn dư của nó vẫn chưa thực sự chấm dứt, vẫn tồn tại trong “vấn đề Tây Nguyên”, “âm mưu Tây Nguyên” thông qua các hình thức khác với thủ đoạn không kém phần tinh vi và tàn bạo.

Cuộc tấn công của những kẻ khát máu với sự chỉ đạo của tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, vào trụ sở chính quyền và công an hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) vào lúc 1 giờ sáng ngày 11/6/2023 vừa qua gây nên sự hy sinh của 9 cán bộ, công an và người dân, gây sự bất ổn nghiêm trọng an ninh chính trị địa phương là một minh chứng rõ nét…

Với loạt bài hồ sơ-tư liệu “Fulro - bóng ma ám ảnh Tây Nguyên”, một lần nữa, chúng tôi xin góp một góc nhìn tái hiện phần nào hoạt động và bản chất của tổ chức tội ác này. Đồng thời xin được tôn vinh những chiến công của quân và dân Tây Nguyên trong sự nghiệp đấu tranh đầy cam go và mất mát, hy sinh nhằm chống lại những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, bảo vệ sự bình yên cho mảnh đất hùng vĩ trong lòng Tổ quốc…

Fulro, với sự hà hơi tiếp sức của các thế lực thù địch bên ngoài, đã trở thành một lực lượng phản động, khủng bố cực kỳ nguy hiểm. Mục đích của chúng là khuấy động cuộc sống bình yên trên các buôn làng, phá hoại thành quả cách mạng, gây thù hận và chia rẽ giữa các dân tộc, làm tê liệt hệ thống chính quyền cơ sở và kéo quần chúng nhân dân theo chúng chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Càng về sau, Fulro hoạt động càng điên cuồng. Tình hình mỗi ngày mỗi thêm nóng bỏng.

>> FULRO - BÓNG MA ÁM ẢNH TÂY NGUYÊN (1): TỪ BAJARAKA ĐẾN FULRO

Tội ác của chúng gây ra với đồng chí, đồng bào trên khắp địa bàn Tây Nguyên và cả những nơi có bóng dáng của chúng trên khắp miền nam là không thể kể xiết. Trước thực tế ngày càng nhức nhối, ảnh hưởng đến việc ổn định và kiến thiết đất nước sau chiến tranh, các lực lượng vũ trang của ta đã mở hàng loạt chiến dịch hành quân quy mô lớn, truy quét tận sào huyệt của Fulro tại Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Tuyên Đức…

>> FULRO - BÓNG MA ÁM ẢNH TÂY NGUYÊN (2): TÂY NGUYÊN NHỮNG THÁNG NGÀY NÓNG BỎNG

Theo tài liệu của ngành công an, thời điểm đó, Khu ủy Khu 6 thành lập Ban chỉ đạo truy quét Fulro mà Thường vụ Khu ủy là cơ quan trực tiếp phụ trách, bên dưới là các Ban chỉ đạo cấp tỉnh. Lực lượng vũ trang được đưa vào tấn công truy quét Fulro lúc này là Sư đoàn 10 (Bộ Quốc phòng), Trung đoàn 812 của Khu 6 và quân đội, công an các địa phương. Chúng ta cũng đã triển khai rất hiệu quả công tác vận động quần chúng, người tốt giáo dục người xấu, người thân lôi kéo người thân, đưa những người lầm lỗi trở về với gia đình, buôn làng.

Máy đánh chữ của Fulro do ta thu được.

Máy đánh chữ của Fulro do ta thu được.

Kết quả, từ năm 1975 đến 1977 ta đã bắt, gọi về hàng 152 đối tượng, 2.539 đối tượng khác về đầu thú, thu 251 khẩu súng các loại, 17 lựu đạn, 1 máy đánh chữ. Cũng trong thời điểm này, nhiều tên lãnh đạo cao cấp của Fulro như: Y Chôn Mlô Duôn Du, Y Bliêng Hmok, Y Nguê, Y Djao Niê, Nay Guh... đã bị bắt và đưa vào trại cải tạo tại Buôn Ma Thuột. Thế nhưng, tháng 5/1976, một số tên cầm đầu Fulro Đêga bị ta bắt giam, gồm: Y Djao Niê, Nay Guh, Nay Ful, Nay Rông, Y Bliêng Hmok, Y Nguê... đã vượt ngục và ám sát ban lãnh đạo Fulro Đêga cũ (gồm Kpa Kới, Y Bach Êban, Y Dhê Buôn Dap...) để giành quyền lực.

Sau cuộc “đảo chính đẫm máu” này, Y Djao Niê - trung tá quân đội Sài Gòn cũ, đứng ra thành lập nội các mới, tự xưng là thiếu tướng, Thủ tướng Fulro và đưa Nahria Ya Đuk làm Phó thủ tướng thứ nhất kiêm Tư lệnh vùng 4. Nội bộ Fulro lúc này đã bộc lộ rõ nét những mâu thuẫn, thù hằn và sát hại lẫn nhau.

Một số chức sắc và binh lính Fulro nhận thức ra sự phi nghĩa, bỏ về làng làm nương rẫy, số khác buông súng đầu hàng. Bị quân ta truy quét gắt gao và nhiều dấu hiệu dẫn đến rã ngũ, Y Djao Niê đã dẫn hơn 2.000 tàn quân Fulro - Đêga chạy sang Campuchia và được Khmer Đỏ tiếp nhận, trở thành một lực lượng vũ trang trong bộ máy giết người của Pôn Pốt - Iêng Xary. Sau đó, lúc này là đồng minh của Khmer Đỏ, Fulro lại quay về Tây Nguyên tiếp tục hoạt động chống phá, khủng bố.

Trước diễn biến phức tạp, đầu năm 1977, Ban Bí thư Trung ương đã ra chỉ thị 04/CT-TW về đẩy mạnh việc giải quyết vấn đề Fulro. Chỉ thị đã phân tích sát thực tình hình và chỉ đạo công tác đấu tranh, giải quyết Fulro theo một nhận thức mới, sử dụng các phương pháp, biện pháp có hiệu quả.

Đại tá Vũ Linh nói: “Chúng tôi nhận thức rằng, đánh Fulro phải đánh từ “gốc”, có nghĩa là cắt đứt sợi dây ủng hộ của đồng bào trong các buôn làng. Từ đó, các cấp chính quyền và lực lượng vũ trang vào cuộc, xắn tay giải quyết vấn đề đời sống của dân, ba cùng với dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân. Thông qua đồng bào, chúng ta giải quyết vấn đề Fulro từ gốc rễ….”

Chính từ nhận thức đó, ở các buôn làng, đồng bào các dân tộc thiểu số đã tự nguyện kết nghĩa, phối hợp với bộ đội, công an và các ban ngành đoàn thể cùng quyết tâm chống lại tội ác của Fulro. Có nơi, quần chúng cắt máu ăn thề: Không theo, không tiếp tế, không nghe lời Fulro, phát hiện Fulro là trình báo.

Các trinh sát An ninh Công an tỉnh Gia Lai bàn phương án đấu tranh truy bắt FULRO (ảnh chụp năm 1984).

Các trinh sát An ninh Công an tỉnh Gia Lai bàn phương án đấu tranh truy bắt FULRO (ảnh chụp năm 1984).

Dưới sự chỉ đạo và tăng cường quân số của Bộ Nội vụ, lực lượng công an Lâm Đồng đã lập nhiều chuyên án “đánh” Fulro. Ta đã đánh 36 trận, thu 104 khẩu súng các loại, 51 lựu đạn, 587kg lương thực và nhiều tài liệu quan trọng, làm tan rã hai tiểu đoàn, tiêu diệt tên thiếu úy - trưởng hai tiểu đoàn; phá 6 tiểu đoàn trù bị, 14 tổ chức chính quyền Fulro cấp xã; phá 2 tổ chức Fulro cấu kết với bọn phản động “Mặt trận tự quyết”; xóa sổ nhiều căn cứ của Fulro; bắt sống, gọi hàng 46 đối tượng, trong đó có những Fulro cộm cán.

Tại Đắk Lắk, tháng 2/1977, lực lượng công an tỉnh xác lập 10 chuyên án đấu tranh với Fulro, phối hợp với Cục cảnh sát bảo vệ, quân đội, du kích đánh 125 trận, tác động, lôi kéo về hàng 776 đối tượng, giáo dục 11.945 người là cơ sở tiếp tế cho Fulro ngoài rừng, thu 639 súng các loại. Bị ta truy quét mạnh, cuối năm 1977, 1.400 thành viên Fulro đã rời bỏ hàng ngũ. Fulro lâm vào thế bị động, giảm hẳn hoạt động vũ trang và các cuộc tập kích lớn trên đất Đắk Lắk.

Từ năm 1977 - 1987, thực hiện nghị quyết của các kỳ Hội nghị Công an toàn quốc, các kế hoạch của Bộ Nội vụ, Cục nghiệp vụ, công an các địa phương Tây Nguyên đã thực hiện nhiều chuyên án giải quyết vấn đề Fulro (khoảng 55 chuyên án). Một số chuyên án lớn qua đấu tranh đã giúp cơ quan an ninh đánh giá, hiểu rõ hơn nội tình của Fulro; tạo những bước ngoặt trong quá trình đấu tranh, giải quyết vấn đề Fulro ở địa phương và trên toàn Tây Nguyên.

Chuyên án F384 (từ tháng 3/1984 đến tháng 7/1985) của Công an tỉnh Đắk Lắk, đấu tranh lôi kéo số Fulro ly khai người M’nông ở địa bàn Đắk Mil, Đắk Nông - Đắk Lắk. Kết quả gọi hàng 47 người, tiêu diệt 2 đối tượng, bóc gỡ một khung chính quyền ngầm cấp xã, ta đã giải quyết cơ bản bộ phận Fulro người M’Nông.

Những người theo Fulro trở về trong sự bao dung của buôn làng.

Những người theo Fulro trở về trong sự bao dung của buôn làng.

Chuyên án T107 đấu tranh với số cầm đầu quân khu 1 Fulro; T108 đấu tranh với số chỉ huy quân khu 2, Y384 đấu tranh với toán đặc biệt của bộ quốc phòng Fulro; F485 đấu tranh với số chỉ huy quân khu 4 và một bộ phận của bộ tổng tham mưu do tên đại tá Ênuôl M’Bột cầm đầu của Công an hai tỉnh Gia Lai - Kon Tum, Đắk Nông - Đắk Lắk, giải quyết dứt điểm vấn đề Fulro Chăm (1984); diệt, bắt, gọi hàng hơn 500 Fulro ở rừng và bóc gỡ gần 2.000 cơ sở của Fulro trong buôn, ấp.

Đặc biệt, Chuyên án F101 nổi tiếng, với những biện pháp nghiệp vụ cực kỳ táo bạo, công an Lâm Đồng đã lập nên những chiến công xuất sắc.

Ở Tây Nguyên, các tỉnh đã cơ bản phá rã hệ thống tổ chức ở rừng của Fulro. Cho đến tháng 12/1992, số tàn quân Fulro còn lại do “đại tá” Y Pênh A Yun cầm đầu đã ra hàng UNTAC tại Campuchia, tuyên bố chấm dứt hoạt động chính trị và vũ trang, nộp vũ khí và được đưa đi định cư ở Mỹ. Đến đây chấm dứt hoàn toàn tổ chức Fulro.

Mười bảy năm (1975-1992), dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, với sự quyết tâm và kiên trì chiến đấu, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh, lực lượng công an, quân đội Việt Nam cùng nhân dân các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh phụ cận đã đấu tranh làm tan rã hoàn toàn tổ chức, lực lượng Fulro.

Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 15.000 lượt Fulro ở ngoài rừng; bóc gỡ hàng trăm khung chính quyền ngầm cùng 62.500 cơ sở của Fulro trong buôn ấp; thu 2.712 vũ khí các loại. Lần đầu tiên, vấn đề Fulro được giải quyết triệt để. Fulro không còn tồn tại với tư cách là một tổ chức, lực lượng chính trị phản động, đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia ở địa bàn chiến lược Tây Nguyên và vùng dân tộc Chăm…