Fed nâng lãi suất 75 điểm cơ bản, mức cao nhất trong vòng 28 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản, mức tăng cao nhất kể từ năm 1994. Đây là bước đi quyết liệt của cơ quan này với mong muốn sớm kiểm soát lạm phát.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) rạng sáng nay theo giờ Việt Nam đã quyết định nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên 1,5%-1,75%, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

Mức tăng lãi suất này vượt ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia. Cho đến tuần trước, các nhà kinh tế học và nhà đầu tư vẫn dự báo Fed nâng lãi thêm 0,5%. Tuy nhiên, số liệu hôm 10/6 cho thấy lạm phát tháng 5 lên cao nhất 41 năm, một số ý kiến cũng dự báo Fed sẽ mạnh tay hơn trong việc tăng lãi suất.

“Rõ ràng mức tăng 75 điểm cơ bản là lớn bất thường và tôi không kỳ vọng những lần tăng lãi suất mạnh như hôm nay diễn ra thường xuyên trong tương lai”, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo. Dù vậy, ông vẫn cho rằng lãi suất có thể tiếp tục tăng thêm 50 điểm cơ bản hoặc 75 điểm cơ bản trong kỳ họp tới.

“Chúng tôi muốn thấy bước tiến triển về lạm phát. Lạm phát không thể đi xuống cho tới khi nó dần dần đi ngang trở lại… Nếu không có tiến triển về lạm phát, điều này có thể khiến chúng tôi phải phản ứng lại” – ông Powell nói.

Các thành viên FOMC cũng dự báo lộ trình nâng lãi suất quyết liệt hơn để kìm hãm lạm phát đang tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/1981.

Fed nâng lãi suất mạnh nhất trong vòng 28 năm trở lại đây

Fed nâng lãi suất mạnh nhất trong vòng 28 năm trở lại đây

Theo dự báo của các thành viên, lãi suất chuẩn của Fed sẽ khép năm 2022 ở mức 3,4%, cao hơn 1,5 điểm phần trăm so với ước tính hồi tháng 3/2022; mức lãi suất được kỳ vọng sẽ nâng lên 3,8% trong năm 2023.

Các quan chức Fed đồng thời cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở mức 1,7%, giảm so với dự báo 2,8% hồi tháng 3.

Lạm phát – được tính theo chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – cũng tăng lên 5,2% trong năm 2022, cao hơn dự báo trước đó là 4,3%. Lạm phát lõi – loại trừ năng lượng và thực phẩm – được dự báo ở mức 4,3%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Trong tháng 4/2022, PCE lõi đã ở mức 4,9% và do đó, dự báo ngày 16/06 có vẻ ám chỉ áp lực lạm phát sẽ suy giảm trong vài tháng tới.

Các tuyên bố của Fed cũng cho thấy một triển vọng kinh tế của Mỹ tươi sáng hơn, bất chấp lạm phát. Theo đó, hoạt động kinh tế nhìn chung đã cải thiện sau khi suy giảm vào quý 1/2022. “Việc làm tăng trưởng mạnh trong vài tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn thấp. Lạm phát vẫn ở mức cao, phản ánh sự mất cân bằng cung cầu vì đại dịch Covid-19, giá năng lượng cao hơn và áp lực giá cả từ nhiều mặt hàng khác” – tuyên bố của Fed nhận định.

Sau quyết định tăng lãi suất của Fed, cả giá vàng và các chỉ số chứng khoán Mỹ đều đi lên. Giá vàng tăng thêm 26 USD một ounce, lên 1.834 USD. Trong khi đó, chỉ số USD Index, đo lường sức mạnh đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm mạnh từ mức đỉnh trên 105,5 xuống trên khoảng 104,5.

Đối với điều hành tỷ giá USD/VND, theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua với việc điều hành tỷ giá linh hoạt, chúng ta đã kiểm soát thị trường ngoại tệ rất ổn định. Theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, việc Fed liên tục tăng lãi suất đã tác động lớn lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước. Cho đến nay, chỉ số USD Index đã tăng trên 9% so với cuối 2021.

Như vậy, đồng USD tăng rất mạnh so với các đồng tiền cơ bản trên thế giới. Đặc biệt, các đồng tiền trong khu vực châu Á, ASEAN đều mất giá rất lớn. Ví dụ nhân dân tệ mất giá 5,3%; won Hàn Quốc mất 4,7%, đô la Đài Loan mất giá 6%, đồng bath Thái Lan mất giá 3,4%. Cá biệt đồng yen Nhật mất giá đến gần 16%.

“Đây là những đối tác có mối quan hệ thương mại, đầu tư rất lớn với Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đã duy trì kiểm soát thị trường ngoại tệ rất ổn định, đồng VND của ta mất giá rất nhẹ, khoảng 1,8%” – ông Quang cho biết.