EU bất lực khi đưa 'vũ khí kinh tế' sang châu Á để chống lại Nga

ANTD.VN - "Vũ khí kinh tế" của EU không phát huy tác dụng trước Nga, cho dù Liên minh châu Âu đã đưa nó sang châu Á.

Sau khi lệnh trừng phạt của EU đối với Nga không mang lại kết quả như mong muốn, Liên minh châu Âu đã chuyển "vũ khí kinh tế" sang khu vực Trung Á nhằm ngăn chặn nguồn cung hàng hóa bị trừng phạt cho Moskva, đây là một thất bại chiến lược.

Theo tờ báo Ấn Độ TFIGlobal, Liên minh châu Âu đã áp đặt vô số biện pháp trừng phạt chống Nga trong những năm gần đây, nhưng chúng không có tác dụng đối với Moskva như phương Tây mong muốn.

Trên thực tế, những lệnh hạn chế thậm chí còn gây ra một vài hậu quả khó chịu cho EU, khi Nga thực hiện các biện pháp trả đũa và giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Trước thực tế trên, EU đã chuyển sự chú ý sang các quốc gia Trung Á, cụ thể là Kazakhstan, Uzbekistan, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, những quốc gia tiếp tục duy trì quan hệ với Nga và giúp Moskva tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ấn phẩm TFIGlobal viết, có lẽ những quốc gia này là mục tiêu đầu tiên và có khả năng nhất trong đề xuất của EU nhằm ngăn chặn "Nga vi phạm lệnh trừng phạt bằng cách nhập khẩu các linh kiện công nghệ cao".

Đề xuất này là một phần trong gói trừng phạt thứ 11, nhắm vào "các cá nhân và tổ chức lách các biện pháp hạn chế của liên minh", bằng cách ngăn các công ty châu Âu bán hàng hóa cho những nước láng giềng của Nga nếu có sự vi phạm.

Tuy nhiên tài liệu mà Liên minh châu Âu ban hành không nêu tên bất kỳ quốc gia hoặc sản phẩm cụ thể nào, điều này làm phát sinh một số câu hỏi về tính khả thi của dự luật.

Sự chuyển hướng của EU vào 4 quốc gia nói trên được coi là một động thái chiến lược nhằm cô lập Liên bang Nga, nhưng thực tế lại diễn ra theo cách rất khác.

Ví dụ Kazakhstan đã tăng cường tái xuất khẩu sang Nga, khi nước này gửi nhiều lô hàng hóa công nghệ cao trị giá 184 triệu USD, mặc dù thực tế là họ không sản xuất những sản phẩm đó.

Một số nước EU lo ngại đề xuất này sẽ dẫn đến cuộc tấn công nhằm vào các đối tác thương mại lớn hơn như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ đang thúc đẩy một cách tiếp cận "diều hâu" đối với Trung Quốc, nhưng EU không muốn tiếp tục xa lánh Bắc Kinh.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng được coi là một yếu tố rủi ro do các chính sách của nước này bị châu âu coi là bất ổn và đòn bẩy sẵn có, chẳng hạn như đối với vấn đề người di cư.

Đề xuất mới của EU trông giống như một nỗ lực tuyệt vọng nhằm buộc châu Á phải phục tùng mệnh lệnh, họ tiếp tục đặt theo đuổi chiến lược thất bại, giống như một người chơi tiếp tục đặt cược vào con ngựa đang thua cuộc.

“Chúng ta có thể nói rằng những nỗ lực của EU nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Liên bang Nga đã thất bại thảm hại và bước đi mới của họ nhiều khả năng sẽ chẳng khác biệt gì".

"Có lẽ đã đến lúc Liên minh châu Âu phải chấp nhận thực tế và không nên quá cố gắng trong việc kiểm soát những quốc gia khác”, tác giả bài phân tích trên tờ TFIGlobal kết luận.