Ép buộc người khác phải trả nợ thay là hành vi cưỡng đoạt tài sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Vợ chồng anh trai tôi vay nợ lãi suất cao dẫn đến không trả được và đã bỏ đi đâu không rõ. Gần đây, gia đình tôi liên tục bị nhóm người lạ mặt đến đe dọa, uy hiếp, bắt phải trả nợ thay vợ chồng anh trai tôi, số tiền lên đến 2 tỷ đồng. Xin hỏi, gia đình tôi phải làm thế nào để thoát khỏi tình cảnh này? Trịnh Ngọc Quang (Hà Nội)
Lực lượng công an đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn các hoạt động liên quan đến tín dụng đen

Lực lượng công an đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn các hoạt động liên quan đến tín dụng đen

Luật sư Giang Hồng Thanh trả lời:

Tình cảnh của gia đình bạn là một thực tế mà hiện nay nhiều người vướng phải. Thậm chí nhiều đến mức nó đã trở thành một vấn nạn của xã hội. Hành vi cho vay lãi nặng, rồi sau đó sử dụng các cách thức trái pháp luật để đòi nợ được định danh là hành vi “tín dụng đen”. Hành vi này có những tác động tiêu cực đến không chỉ con nợ mà còn đến những người thân thích, ruột thịt, người quen biết của con nợ, khiến họ rơi vào khủng hoảng trầm trọng, thậm chí khiến nhiều người phải lựa chọn con đường tự tước bỏ quyền được sống để giải thoát cho bản thân và gia đình.

Gần đây, để từng bước khống chế dẫn tới chấm dứt tình trạng nhức nhối này, các cơ quan pháp luật đã có nhiều biện pháp mạnh tay xử lý những người thực hiện hành vi cho vay lãi nặng hoặc những người gây sức ép cho người khác để đòi nợ. Đơn cử như Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Hay như Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế các băng nhóm tội phạm, trong đó có giải pháp duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”… Nói như vậy để bạn thấy rằng, Nhà nước và xã hội đang chung tay dẹp bỏ loại hình “tín dụng đen”.

Về trường hợp gia đình bạn đang gặp phải hiện nay, theo chúng tôi, việc đầu tiên cần phải làm, đó là trình báo, tố giác những hành vi mà bạn mô tả tới Cơ quan Công an địa phương hoặc Cơ quan CSĐT Công an quận, huyện nơi gia đình bạn sinh sống. Bên cạnh đó, gia đình bạn cần thu thập các bằng chứng, chứng cứ chống lại nhóm người đã đe dọa, tụ tập, cưỡng ép gia đình bạn trả nợ thay cho vợ chồng anh trai bạn. Chứng cứ có thể là hình ảnh, clip, ghi âm lời nói của nhóm người đi đòi nợ khi họ xâm phạm đến cuộc sống của gia đình bạn. Các chứng cứ này, gia đình bạn giao nộp cho Cơ quan Công an để củng cố nội dung tố cáo.

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng VPLS Giang Thanh, Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng VPLS Giang Thanh, Số 197 phố Đặng Tiến Đông,

Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì hành vi cho vay tiền ở mức lãi suất tương đương với 100% khoản vay trong một năm để thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên có thể bị xử lý hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Tương tự, hành vi sử dụng các biện pháp trái pháp luật để buộc người khác phải trả nợ thay có thể bị xử lý hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Còn hành vi quẳng chất bẩn, xịt sơn vào tài sản người khác có thể bị xử lý hình sự về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”, nếu trị giá tài sản bị thiệt hại từ 2.000.000 đồng trở lên…