Đường sá “vỡ” tiến độ vì quy trình ngược

ANTĐ - Cả nước đang triển khai hàng loạt công trình giao thông lớn nhưng tình trạng chậm trễ tiến độ xảy ra phổ biến. Lỗi chậm tiến độ được đổ cho khách quan, giải phóng mặt bằng, ngân sách luôn phải chịu phần đội vốn đầu tư.

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là một trong những dự án đang bị chậm tiến độ do mặt bằng

Thi công rồi chờ mặt bằng

Trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng chục công trình giao thông lớn nhỏ, riêng công trình do Bộ GTVT làm chủ đầu tư lên tới 10 dự án, trong đó, phải kể ra một số dự án ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và khu vực như công trình nhà ga T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân, QL3 mới Hà Nội- Thái Nguyên, cao tốc Nội Bài- Lào Cai. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ các dự án đều đang chậm so với kế hoạch ban đầu. Không chỉ các công trình do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, mà ngay các công trình trọng điểm của UBND cũng chậm trễ. Hiện, TP có  55 công trình, cụm công trình trọng điểm giai đoạn   2011 – 2015, nhưng có đến 27 công trình bị chậm tiến độ. Vướng mắc lớn nhất hiện nay thuộc về dự án Vành đai I, Vành đai II, đường 5 kéo dài…

Theo Ban QLDA, dự án cầu Nhật Tân và đường cầu dẫn phía Bắc đã đạt hơn 90% khối lượng xây lắp. Tuy nhiên, phần cầu dẫn phía Nam vẫn còn một số hộ đất thổ cư thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ chưa được di dời, khối lượng thi công hiện mới đạt 59%. Đường nối giữa cầu Nhật Tân tới sân bay Nội Bài dài 12km, chia thành 5 gói thầu đạt từ 30-80% khối lượng xây lắp. Khối lượng thi công Nhà ga T2 Nội Bài công suất 10 triệu khách/năm đạt khoảng 42%, hiện đang lắp dựng kết cấu mái tòa nhà, cầu hành khách.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, trong quá trình triển khai các dự án, Bộ GTVT luôn yêu cầu nhà thầu, đơn vị thi công phải phối hợp chặt chẽ với địa phương trong GPMB. Ngoài ra, Bộ cũng nhiều lần trực tiếp làm việc với các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương nhưng điểm nghẽn lớn nhất là mặt bằng sạch vẫn chưa có lời giải. “Các nước khi xây dựng công trình thì phải có mặt bằng sạch mới bàn giao cho chủ đầu tư, đơn vị thi công làm một mạch đến khi hoàn tất. Nhưng chúng ta, các công trình đều làm ngược lại, vừa GPMB vừa thi công”, ông Nguyễn Hồng Trường nhận định. 

Chủ đầu tư, nhà thầu cũng phải “hy sinh”

Tuy nhiên, theo ông Trương Quang Thiều, Trưởng ban GPMB TP Hà Nội, trên địa bàn TP hiện đang có nhiều công trình, dự án, nên khối lượng GPMB rất lớn. Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác GPMB, áp dụng việc xử lý đặc thù nhưng vẫn không tránh khỏi chậm trễ. Ví dụ như, đường dẫn cầu Nhật Tân khối lượng GPMB rất lớn, có đến 415 hộ phải di dời trong thời gian ngắn.

Ông Lê Ngọc Hoa, Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) cho rằng, trong vấn đề GPMB không thể đổ hết trách nhiệm cho chính quyền địa phương mà chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công cũng phải “hy sinh”. “Có thể gia tăng một chút kinh phí để GPMB nhưng chúng ta có mặt bằng sớm để thi công, tiết kiệm được chi phí”. Cũng theo ông Lê Ngọc Hoa, GPMB là vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp, trong đó một số điểm cần được tháo gỡ như việc tái định cư. Đây là vấn đề quan trọng, đặc biệt đối với các hộ dân phải di chuyển về nơi ở mới, tái định cư phải phù hợp, đi trước một bước. “Trong khi, tái định cư của chúng ta luôn đi sau, chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người dân”. 

Bên cạnh đó, cần phải xử lý linh hoạt nguồn vốn, vì việc lập tổng mức đầu tư dự án thường chưa sát, hay bị đội vốn. Một số dự án rơi vào trường hợp tréo ngoe như, khi bố trí được vốn thì không có mặt bằng để trả, hoặc khi có mặt bằng sạch lại không bố trí được vốn. Tổng Giám đốc Cienco 4 lấy ví dụ, tại dự án đường Nhật Tân - Nội Bài, ban đầu Bộ GTVT đã bố trí 500 tỷ đồng cho GPMB nhưng không giải ngân được vì không có mặt bằng sạch. Sau khi các hộ dân đồng thuận, phương án GPMB đã duyệt thì lại không có tiền để chi trả. Bộ GTVT đã phải đề xuất Hà Nội cho vay hơn 180 tỷ đồng để giải ngân cho kịp mặt bằng.