Được nhiều hơn mất

ANTĐ - Chủ tịch CLB Thanh Hóa, Nguyễn Văn Đệ vừa gây chú ý với quyết định “treo giò” hết mùa một cầu thủ vì cho rằng mắc “lỗi tư tưởng”. Theo ông Đệ, động thái đó là cần thiết để tránh “con sâu làm rầu nồi canh” và cũng để giữ vững niềm tin nơi người hâm mộ - tài sản lớn nhất của đội bóng xứ Thanh.

Cầu thủ và đội bóng đóng vai trò quyết định trong phòng trừ tiêu cực V-League
(Ảnh minh họa)

Người phải “thụ án treo giò” hết mùa này là Ngô Anh Tuấn. Trung vệ sinh năm 1981 này đã liên tiếp mắc lỗi, khiến Thanh Hóa dính nhiều bàn thua không đáng có. Và khi những sai sót cứ lặp đi lặp lại thành hệ thống, “bầu” Đệ đã hết kiên nhẫn. “Tôi đã gặp trực tiếp cầu thủ này và thẳng thắn chỉ ra những sai phạm bất thường trong thời gian qua. Cậu ta không phản ứng gì và chấp nhận mức phạt “treo giò” hết mùa giải 2013”, ông Nguyễn Văn Đệ nói.

Theo ông Đệ, sai lầm khó hiểu của Ngô Anh Tuấn khiến khán giả xứ Thanh phản ứng mạnh mẽ, gây dư luận không tốt. “Không thể để một con sâu làm rầu nồi canh. CLB Thanh Hóa có thể mất cầu thủ này, ngôi sao kia những tuyệt đối không để mất lòng tin nơi khán giả nhà, bởi đó là thứ tài sản lớn nhất của đội bóng. Việc xử nghiêm Anh Tuấn cũng là để răn đe các cầu thủ khác”, ông Đệ khẳng định. Có người bảo “bầu” Đệ đã tự làm khó đội bóng, bởi hàng thủ Thanh Hóa vốn đang sa sút nay lại mất thêm một trung vệ kỳ cựu. Nhưng đại đa số lại ủng hộ quyết định của ông chủ đội bóng xứ Thanh, bởi nó xuất phát từ mong muốn, quyết tâm bài trừ tiêu cực. Rõ ràng sau quyết định này, “bầu” Đệ và đội bóng xứ Thanh được nhiều hơn mất.

Có một thực tế là ở 

V-League hiện tại, không ít trường hợp cầu thủ, đội bóng bị nghi mắc lỗi tư tưởng. Điển hình như XM Xuân Thành SG. Thi đấu 13 trận thì có đến không dưới 4 trận, đội này bị khán giả nhà la ó vì thái độ thi đấu và tố cáo “bán độ trắng trợn”. Tất nhiên, cũng như trận tranh siêu cúp đầu mùa, chuyện XM Xuân Thành SG bán độ vẫn chỉ dừng ở nghi án. Trong bối cảnh nhà tổ chức giải đang bất lực trước tiêu cực bởi câu hỏi “bằng chứng đâu” thì cách mà đội bóng xứ Thanh chủ động “thanh lọc lực lượng” được cho như một giải pháp phòng chống tiêu cực. Không ai khác, chính lãnh đạo, BHL đội bóng là những người hiểu và sớm nhận diện hành vi vi phạm tiêu cực (nếu có) của cầu thủ mình hơn ai hết. Lịch sử V-League cũng không ít lần chứng kiến chuyện ông “bầu” “treo giò” cầu thủ vô thời hạn vì cảm thấy có tiêu cực và chẳng cần phải có bằng chứng rõ ràng. Một cầu thủ tiêu cực sẽ khiến cả đội bóng tiêu cực lây, và một đội bóng tiêu cực cũng sẽ khiến cả V-League chịu chung thực trạng. Nếu tự thân các cầu thủ và đội bóng đều ý thức được điều này thì có lẽ, nhà tổ chức đã không phải vất vả “đơn thương độc mã” chống tiêu cực như hiện tại.