Đừng quên… nông dân

ANTĐ - Đồng tình với nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn cho rằng, trong nhiều chục năm qua, nếu không có đóng góp đáng kể của ngành nông nghiệp, chắc chắn tình hình kinh tế - xã hội nước ta sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Trải qua ba cuộc khủng hoảng từ cuối thập kỷ 1980 đến nay, nông nghiệp đều vượt lên, được mùa, đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo việc làm, kìm giữ lạm phát. “Phi nông bất ổn”, nếu nông dân không gắng sức sản xuất chẳng biết lạm phát đến mức nào.

Mở đường lên công nghiệp hóa tức là phải lấy đi của nông nghiệp đất đai, lao động, nguồn vốn. Lấy đất nông nghiệp cho công nghiệp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ, chỉ nên sử dụng đất bạc màu sỏi đá và phải đưa công trình vào hoạt động. Trái lại, ở Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nội hay các tỉnh Cần Thơ, Tiền Giang… hầu hết đất “bờ xôi ruộng mật” mất trắng cho công nghiệp rồi để cho cỏ mọc um tùm.

Chính phủ đã phân cấp cho tỉnh được cấp đất làm dự án, song địa phương dùng “thủ thuật” xin cấp đất cho dự án quy mô nhỏ, sau đó “âm thầm” mở rộng để khỏi phải trình Thủ tướng. Lâu nay người ta thường kêu rằng, đất đai quá manh mún khó mà công nghiệp hóa nông thôn. Đúng thế, nhưng ở miền Bắc, theo ý kiến của ông Viện trưởng, muốn xử lý đất nông nghiệp thì phải xử lý được thị trường lao động. Bao nông dân bỏ đồng ruộng lên thành phố làm “cửu vạn”, thợ xây, “xe ôm”… đổ mồ hôi nhặt nhạnh từng đồng.

Thế nhưng họ vẫn phải “ôm” chặt mảnh đất cắm dùi phòng khi sa cơ. Mảnh đất ấy chẳng nuôi sống được, cũng chẳng được tích tụ vào tay người biết làm ăn giỏi và chuyện dồn điền đổi thửa vẫn bế tắc. Nhiều vùng nông thôn, trên đồng ruộng hầu như chỉ thấy người già, đàn bà và trẻ em lao động, những lao động chính lên thành phố kiếm việc, kiếm tiền.

Kinh nghiệm cho thấy, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) chỉ mất 15-20 năm để giải quyết vấn đề này. Có những nước đang phát triển phải mất mấy chục năm mà chưa xong. Nước nào xử lý tốt thì sẽ công nghiệp hóa thành công, nước nào không xử lý được thì sẽ rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình. Nước ta muốn công nghiệp hóa thành công và ổn định xã hội thì phải có một chiến lược lâu dài. Nước đông dân nhất thế giới thực thi chính sách “ly nông bất ly hương” với mô hình doanh nghiệp hưng trấn tại chỗ để giữ chân nông dân ở lại nông thôn.

Vậy mà vẫn còn 200 triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị, họ trở thành lớp người “nửa quê nửa tỉnh”. Trong khi đó Nhật Bản, Đài Loan đã làm được ba việc là xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo tay nghề toàn diện ở nông thôn, sau đó đưa nhà máy, đưa việc làm và thu nhập về cho nông dân. Nước ta đang đẩy mạnh mô hình xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí, song có thể thấy những tiêu chí về đào tạo tay nghề, phát triển kinh tế nông nghiệp từ khâu gieo trồng, chăn nuôi, chế biến và sản xuất hàng nông sản… vẫn chưa thực sự thành trọng tâm. Các tiêu chí văn hóa, đời sống dường như vẫn quá coi trọng, mặc dù đó là “chiếc áo” mới khoác lên vùng nông thôn.

Mục tiêu đến năm 2020, về cơ bản nước ta trở thành quốc gia công nghiệp hóa. Không nên quên rằng, khi đó GDP đầu người phải đạt trên 10.000USD. Không nên quên… nông dân hiện nay còn một khoảng cách quá xa về mọi phương diện. Công nghiệp hóa không thể quên nông nghiệp, nông thôn, nơi tới gần 70% dân số sinh sống.