Đừng làm khó cho dân

ANTĐ - Trung bình mỗi ngày, các cơ quan hành chính Nhà nước tiếp nhận khoảng 600.000 giao dịch liên quan đến thủ tục hành chính từ người dân, doanh nghiệp và tổ chức, song hầu như họ không thể biết được giấy tờ của mình được xử lý ra sao, vướng mắc ở đoạn nào và bao giờ có kết quả. Tình trạng này hy vọng có thể giảm thiểu với Đề án hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang được               Bộ Tư pháp hoàn thiện.

Đề án được xây dựng trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính nhằm tiếp nhận những phản ánh của người dân, doanh nghiệp về kết quả giải quyết thủ tục đến tận cấp xã. Theo số liệu của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, từ năm 2011 đến hết quý I-2013, các cơ quan, bộ, ngành và địa phương chỉ tiếp nhận vỏn vẹn 1.692 phản ánh, kiến nghị từ phía người dân, doanh nghiệp. Con số này là quá thấp không phản ánh đúng thực tế bức xúc của xã hội.

Điều này chứng tỏ người dân, doanh nghiệp thiếu niềm tin vào cơ quan hành chính. Bản thân cán bộ nhiều nơi không biết việc tiếp nhận thủ tục có đúng thẩm quyền hay không. Người dân không biết loại thủ tục nào thì cấp nào, cơ quan nào giải quyết và phải phản ánh, kiến nghị ở đâu. Tuy đã có cơ sở pháp lý nhưng chưa có công cụ để người dân có thể phản ánh, kiến nghị đến cơ quan chức năng.

Tại hội thảo giải pháp cải cách thủ tục hành chính vừa diễn ra, Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam cho biết, trong cuộc khảo sát 8.055 doanh nghiệp dân doanh trong hơn nửa năm gần đây, có 33,3% trả lời thủ tục gây phiền hà nhất là thuế; 28% là thủ tục đất đai, môi trường, 15,2% là thủ tục đăng ký kinh doanh và cấp giấy phép chứng nhận đầu tư.

Kết quả điều tra 1.540 doanh nghiệp có vốn nước ngoài cũng cho thấy, 28,3% doanh nghiệp đánh giá thủ tục phiền nhiễu nhất là đăng ký kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đầu tư, tiếp đến là thuế 17,4%; xây dựng 15,2%; đất đai, môi trường là 10%. Đơn cử từ khi nhà đầu tư có dự án đến khi xây dựng nhà máy, chỉ riêng thủ tục hành chính phải qua “cửa ải” của 5 bộ luật, 10 nghị định, 9 thông tư và một “mớ” văn bản hướng dẫn cấp tỉnh khó thống kê xuể. Văn bản vốn đã phức tạp, rắc rối lại thường xuyên sửa đổi gây ra sự khác biệt và chồng chéo.

Đề án của Bộ Tư pháp dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2014-2016, kỳ vọng sẽ tiết kiệm được khoảng 570 tỷ đồng từ chi phí giao dịch thủ tục cho người dân, doanh nghiệp. Đề án sẽ bao trọn tất cả, ở đâu người dân có quan hệ hành chính thì ở đó phải kiểm soát gắt gao để tạo sức ép cho cán bộ công chức không làm khó cho dân, chậm giải quyết thủ tục.