Hiến kế chống ùn tắc giao thông (2):

Đừng đổ lỗi cho người tham gia giao thông ý thức kém

ANTĐ - Vào giờ thấp điểm, chúng ta cũng dễ nhận thấy rằng, với mật độ qua lại tại một nút giao thông có ít phương tiện thì các nhánh lưu thông không bị xung đột nhau, hoặc có thì cũng rất ít và được giải tỏa nhanh chóng. Vì một lẽ rất dễ thấy, đó chính là độ giãn cách giữa 2 phương tiện trước và sau dài.
Nhưng nếu mật độ đông hơn gấp nhiều lần, thì độ giãn cách giữa các phương tiện hầu như là không có, thì một điều chắc chắn rằng khi nhánh rẽ trái chặn đường nhánh đi thẳng thì xem như nhánh đi thẳng sẽ không bao giờ di chuyển được, và ngược lại. Nếu dòng chảy bị chặn lại và ùn ứ đến khi đèn tín hiệu chuyển sang cho phép nhóm khác di chuyển thì ta thấy rằng, ùn tắc nghiêm trọng sẽ xảy ra tại điểm giao nhau. Một khi ùn tắc nghiêm trọng xảy ra và bị đổ lỗi cho ý thức tham gia giao thông của người dân kém thì hoàn toàn không còn đúng nữa, mà lỗi đó là do việc phân bổ tín hiệu đèn giao thông không linh hoạt theo từng thời điểm. Khi đó ta cần phải thay đổi tín hiệu đèn giao thông để điều tiết giao thông một cách hợp lý. Ta có thể linh hoạt thay đổi tín hiệu đèn giao thông để điều tiết phân nhánh giao thông hợp lý vào giờ cao điểm và giờ thấp điểm, chứ không quá cứng nhắc khi áp dụng suốt ngày.

Tương tự, việc biến đổi từ 2 đường 2 chiều thành 1 đường 2 chiều có ưu tiên như đề xuất của tôi, nếu được áp dụng cũng nên áp dụng linh động theo giờ cao điểm và thấp điểm, chứ không nên cứng nhắc thay đổi cố định gây bất tiện lưu thông cho người dân khi trong giờ thấp điểm. Không nên hoán đổi cố định 2 đường 2 chiều trở thành 2 đường 1 chiều, vì như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề mà chỉ gây khó khăn thêm cho người dân.

Từ đâu tôi có thể đề xuất các giải pháp trên?

Đó là từ thực tế hiện hữu, bình thường tại các ngã 4, các bạn thường phải chờ đèn đỏ từ 40s – 60s, đèn xanh di chuyển từ 25s – 40s. Tổng thời gian cả 2 đèn từ 65s – 100s (chưa kể đèn vàng 3s), thời gian chên lệch đó là do có phần ưu tiên đường lớn và đường nhỏ. Nay thay vì được phép di chuyển khi đèn xanh 40s gây ra xung đột đan chéo nhau giữa nhánh đi thẳng và nhánh rẽ trái, thì chia thời gian ra làm 2 phần đều nhau, mỗi nhánh sẽ được 20s, cũng chỉ là 40s để di chuyển, nhưng 2 dòng chảy này sẽ không còn đan chéo, không gây xung đột lẫn nhau. Trên cơ sở tính toán, thời gian chờ 60s là hợp lý cho người tham gia giao thông, ta không thể bắt mọi người chờ lâu hơn được vì tâm lý chờ quá 60s sẽ sinh ra tiêu cực. Như hiện nay, khi đèn xanh chuyển qua đèn đỏ có nơi chờ 40s, có nơi phải chờ trên 60s, có nơi chỉ chờ 30s => người tham gia giao thông không có thói quen chờ khi thời gian quá xáo trộn, không có trật tự => ảnh hưởng đến tâm lý tham gia giao thông.

Mặc khác, khi mọi nhánh, mọi nút giao thông đều áp dụng nguyên lý 20-20-20-20 (bốn 20) thì khi đó, lâu dần người dân sẽ hình thành được thói quen (phản xạ có điều kiện) đèn xanh chuyển qua đèn đỏ sẽ luôn luôn phải chờ 60s, từ đó sẽ giúp cải thiện ý thức chờ và chấp hành đèn tín hiệu của người dân, đây có thể xem là 1 liệu pháp tâm lý lâu dài. Đồng thời, người tham gia giao thông còn chủ động tắt máy xe để bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu gia tăng lợi ích kinh tế.

Nguyên lý bóc tách riêng nhánh rẽ trái và nhánh đi thẳng tại các giao lộ, nguyên lý lưu thông tại các nút giao thông của các đại lộ, quốc lộ áp dụng cho xe 4 bánh, nay tôi đem vào áp dụng cho xe 2 bánh trên mọi nút giao thông trong giờ cao điểm, không có gì là lạ lẫm đối với người dân Việt Nam, và cũng không cần phải bắt chước nước ngoài.

Có làm mới thành quen

Tiếp theo ý kiến về ý thức tham gia giao thông, tôi nhận được ý kiến giải pháp này lý thuyết, giải pháp kia lý thuyết,..v.v…. Thực tế mà nói, khi mới lần đầu đưa ra, thì giải pháp nào cũng là lý thuyết. Tôi không bác bỏ ý kiến này, vì khi phân tích LOGIC về tâm lý và hành vi, thì các bạn hãy thử để ý một điều sau:

Bất cứ hành vi nào trước khi diễn ra đều phải thông qua não bộ suy nghĩ, vạch ra kế hoạch, định hướng để hành động. Kế hoạch đó chính là phần lý thuyết tức thời của chính người đó, họ phải đưa ra trước một lý thuyết để định hướng và hướng dẫn cho hành động theo sau đó. Không một hành động nào có thể đi trước lý thuyết, bởi vì mọi hành động đều được điều khiển thông qua não bộ. Thế nên, trước khi muốn áp dụng một giải pháp nào đó, ta cần phải xây dựng nó thành một lý thuyết để mọi người phản biện, định hướng, chỉnh sửa. Nếu lý thuyết đó khả thi, ta sẽ thực hiện áp dụng cho thực tế. Nếu lý thuyết đó không khả thi, ta sẽ thay bằng một lý thuyết khác khả thi hơn. Như vậy, để đi theo vòng Logic của vấn đề trong xử lý một vấn đề nào đó, ta cần phải:

Đề xuất lý thuyết giải quyết vấn đề => thực thi mẫu (mô hình) => phản biện => chỉnh sửa để có một lý thuyết có thể áp dụng rộng rãi.

Nếu không có lý thuyết thì sẽ không bao giờ có được giải pháp, ta không thể đi ngược lại, hành động đi trước suy nghĩ.! Ta không thể đánh đồng giải pháp "lý thuyết" nhằm ngụ ý là vấn đề không thực hiện được, còn giải pháp "thực tế" là cái khả thi, đó là hành vi vơ đũa cả nắm. Lý thuyết luôn đi trước hành động thực tế, vì não bộ luôn xử lý thông tin trước khi hành động diễn ra.

Nếu kẹt xe tại giao lộ mà chúng ta cứ tập trung đỗ lỗi vào ý thức tham gia giao thông, thì chính những người tham gia đề xuất giải pháp tuyên truyền cải thiện ý thức của người khác sẽ bị đi vào vòng luẩn quẩn. Vì họ đang cố gắng giải quyết một vấn đề rất mơ hồ và không có gì là cụ thể, từ đó dẫn đến không có giải pháp tuyên truyền thích hợp, hoặc giải pháp tuyên truyền không giải quyết được vấn đề trong bài toán chủ quan về “ý thức tham gia giao thông”. Ta chỉ có thể phân biệt khi một ai đó có hành vi không chấp hành luật lệ giao thông, đề xuất mức xử phạt đối với hành vi này để răn đe, chứ không thể nói chung chung ý thức tham gia giao thông kém đã gây ra ùn tắc tại các giao lộ. Vì đôi khi cũng chỉ là 1 hành động của người A nhưng người B sẽ cho A là "ý thức kém", nhưng người C sẽ cho A là "ý thức tốt". Ùn tắc tại giao lộ là do mật độ lưu thông quá dày đặt khiến các dòng chảy đan chéo nhau, gây cản trở và xung đột lẫn nhau. Cái chúng ta cần là phân bổ đèn tín hiệu giao thông hợp lý để bóc tách các nhánh ra để không còn gây xung đột lẫn nhau, không thể đổ lỗi cho ý thức tham gia giao thông trong tình huống này!