Đừng để đại học thành phổ thông… cấp 4!

(ANTĐ) - Tốt nghiệp gần 2 tháng nay, bạn tôi - một sinh viên Khoa Xây dựng cầu đường bộ, khóa 47, trường Đại học Giao thông Vận tải vẫn bám trụ ở Hà Nội, gian nan cầm hồ sơ đi khắp nơi tìm việc làm.

Đừng để đại học thành phổ thông… cấp 4!

(ANTĐ) - Tốt nghiệp gần 2 tháng nay, bạn tôi - một sinh viên Khoa Xây dựng cầu đường bộ, khóa 47, trường Đại học Giao thông Vận tải vẫn bám trụ ở Hà Nội, gian nan cầm hồ sơ đi khắp nơi tìm việc làm.

Nhiều bạn sinh viên mới tốt nghiệp đại học khác mà tôi biết, có người đang làm phục vụ cho nhà hàng, có người đi làm tiếp thị sản phẩm, hay ngay như một người bạn cùng lớp đại học với tôi, tốt nghiệp bằng giỏi mà 2 năm nay vẫn ngồi nặn tò he trong công viên Thủ Lệ (Hà Nội) vì không thể xin được việc làm...

Trong khi đất nước vẫn đang thiếu thốn trầm trọng đội ngũ lao động, nhân lực có trình độ, trí tuệ để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội thì cùng lúc đó vẫn có hàng nghìn, hàng vạn sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng hàng năm không thể xin được việc làm, hoặc phải làm những công việc trái ngành, trái nghề.

Trong khi đó, có rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp xin được việc nhưng không đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ. Một khảo sát từ đề tài trọng điểm cấp Bộ do Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh thực hiện đầu năm nay cũng chỉ ra, các nhà tuyển dụng phải đào tạo lại cho hơn 50% sinh viên mới tốt nghiệp, vì không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn...

Ai cũng biết, mỗi sinh viên tốt nghiệp chính là một sản phẩm giáo dục mà trường đại học đào tạo ra, do đó sự thành đạt, sự cống hiến của sinh viên cho xã hội, hay đơn giản hơn là số sinh viên tốt nghiệp xin được việc làm chính là thước đo chính xác nhất hiệu quả thực tế của mỗi trường.

Vậy nhưng, hiện nay vẫn còn nhiều trường đại học chưa xác định được mục tiêu đào tạo của đơn vị, hoặc xác định không phù hợp, rất nhiều trường không công bố được chuẩn đầu ra... chính lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thừa nhận điều này.

Hệ quả của nó là phần đông sinh viên bước chân vào trường đại học chỉ biết học và học, mà không xác định được mình sẽ trở thành người như thế nào, sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp. Cũng không ít giảng viên chỉ biết hoàn thành vai trò của mình trong phạm vi nhỏ của môn dạy.

Để rồi khi sinh viên tốt nghiệp đi xin việc, nhận được lời từ chối thẳng thừng từ phía nhà tuyển dụng, kiểu: “Chúng tôi cần ở sinh viên kỹ năng thực hành, tính sáng tạo... chứ không chỉ những kiến thức lý thuyết”.

Vào thời điểm này, hầu hết các trường đại học đều đã công bố điểm thi tuyển sinh năm học 2008-2009. Hàng vạn học sinh đang háo hức chờ đợi ngày được trở thành những sinh viên.

Thế nhưng vào đại học rồi ra trường sẽ làm gì thì không nhiều em ý thức được đầy đủ. Đó là trách nhiệm, là nhiệm vụ của những người làm công tác giáo dục đại học, quản lý giáo dục.

Nếu đại học chỉ biết mỗi việc đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ mà không định hướng được nghề nghiệp cho sinh viên khi tốt nghiệp thì phải chăng đó chỉ là trường “phổ thông cấp 4” như một số người đã gọi.

Tiến Hưng