Đức sẵn sàng 'trói tay' Ukraine, nhưng sẽ khiến Nga 'phải trả giá đắt'

ANTD.VN - Mặc dù không tán thành việc chấm dứt dự án Nord Stream 2, nhưng các bước đi của Đức có thể sẽ khiến Nga phải trả giá đắt nếu nổ ra chiến tranh với Ukraine.

Nga phải trả giá đắt nếu để phát sinh xung đột trên diện rộng với Ukraine là những gì các nhà lãnh đạo phương Tây vẫn cảnh báo, cho dù họ cho thấy sẵn sàng "trói tay" Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa có cuộc hội đàm tại Washington. Trong buổi nói chuyện, ông chủ Nhà Trắng đã cố gắng thuyết phục người đứng đầu chính phủ Đức về các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Liên bang Nga.

Trước diễn biến trên, chuyên gia chính trị người Nga - ông Yuri Podolyaka đã bình luận: "Đối với Washington và London, cuộc chiến chống Nga là một vấn đề đã được giải quyết".

"Họ thể hiện điều này bằng mọi cách có thể, thậm chí cố gắng vượt qua sự kháng cự của giới lãnh đạo Ukraine, vốn thực sự không muốn trở thành 'con cừu non' vì quyền lợi của Washington".

"Kiev nhận thức rõ rằng nếu toan tính của Mỹ thành hiện thực thì Nga sẽ tấn công Ukraine, và đây sẽ là lý do để châu Âu công bố các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Liên bang Nga".

Theo ông Podolyaka, mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mỹ là phá hủy mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa châu Âu và Nga. Vì thế, trong cuộc họp giữa ông Biden và ông Scholz, người Mỹ đã cố gắng mở đường cho việc thực hiện kế hoạch của họ.

Chuyên gia Podolyaka nhận xét Đức rất cần khí đốt của Nga. Hơn nữa, ngành năng lượng tương lai của Đức cũng gắn liền với Nga. Berlin cực kỳ quan tâm đến sự hợp tác lâu dài và hiệu quả với Moskva, vì vậy họ không thích cách hành xử của Mỹ và người Anh.

"Ngày nay, tất cả các dự án lớn về năng lượng đang được phát triển bởi người Đức cùng với Nga. Từ bỏ khí đốt tự nhiên không có nghĩa là từ bỏ hoàn toàn mọi nguồn năng lượng của Nga".

"Những gì đang được xây dựng ngày hôm nay sẽ còn hoạt động trong nhiều thập kỷ tới. Giới tinh hoa Đức đã thực sự áp dụng khái niệm hợp tác chặt chẽ với Moskva", chuyên gia Podolyaka khẳng định.

Tại cuộc họp báo cuối cùng, Tổng thống Biden bị nhận xét tỏ ra xúc động và có thiếu kiểm soát, ông đã công khai đe dọa Nga bằng các biện pháp trừng phạt "vì hành vi gây hấn". Nhưng đồng thời Thủ tướng Scholz vẫn kiềm chế và cố gắng lảng tránh chủ đề này.

"Thủ tướng Scholz vẫn đưa ra tuyên bố đoàn kết với người Mỹ, khẳng định rằng Nga sẽ phải trả giá rất đắt nếu một cuộc xâm lược Ukraine có thể xảy ra. Nhưng cụ thể đối với Nord Stream 2, ông Scholz hoàn toàn không nói gì".

"Vấn đề trừng phạt vẫn chưa được xác định đầy đủ, nó đang được thảo luận, nhưng tất nhiên, Nga sẽ phải trả một 'cái giá rất đắt'. Hơn nữa Thủ tướng Scholz nhấn mạnh 'cái giá phải trả' chứ không phải chống lại 'cuộc xâm lược của Nga'".

"Đối với Đức, vấn đề Ukraine trên thực tế đã được giải quyết. Họ sẵn sàng từ bỏ Ukraine, nhưng sẽ khiến Nga phải trả một 'cái giá rất đắt' cho điều này".

"Rõ ràng Đức sẽ không từ chối nguồn cung cấp khí đốt từ Liên bang Nga, bởi vì nếu không có nó thì nước này không thể tồn tại. Đây là kết luận chính mà ngoại giao Nga có thể rút ra từ cuộc gặp. Tổng thống Biden đã thất bại trong việc 'thuyết phục' ông Scholz theo những gì ông ta muốn".

Như chuyên gia Podolyaka tóm tắt, nước Đức nói chung và Thủ tướng Scholz có vị trí đặc biệt của riêng họ đối với Ukraine, và 5.000 mũ bảo hiểm mà Berlin gửi đến Kiev dưới dạng hỗ trợ quân sự thay vì vũ khí là tín hiệu rõ ràng nhất.