Đưa Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào thực tiễn cuộc sống

ANTD.VN - Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Ra đời vào thời điểm khi thực tế xã hội xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia, tuy nhiên, để luật này đi được vào thực tiễn còn phụ thuộc vào năng lực thi hành của các cơ quan công vụ cũng như nhận thức của người dân.

Luật phòng chống tác hại của rượu, bia đã quy định 13 hành vi cấm, trong đó đáng chú ý có: Nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia; nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia trong giờ làm việc, học tập và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, học tập; nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn… Bên cạnh đó, Luật quy định một số địa điểm không được uống rượu, bia như: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; nơi làm việc của cơ quan nhà nước, các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ... Rõ ràng, với thói quen uống rượu bia như hiện nay, để luật đi được vào cuộc sống không phải đơn giản.

Luật PCTHRB liên quan đến xung đột về lợi ích giữa vấn đề sức khỏe, xã hội với lợi ích về kinh tế. Đây cũng là khó khăn lớn đầu tiên từ quá trình xây dựng dự luật đến đưa luật vào thực tiễn. Để tránh tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”  phải có đủ lực lượng thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm luật này. Nếu thực hiện luật không nghiêm, không thường xuyên sẽ phát sinh nhiều hình thức đối phó với cơ quan quản lý nhà nước.