Dư luận có quyền nghi ngờ

ANTĐ - Sự kiện đáng nói nhất trong tuần trên mạng xã hội Facebook là một người viết có nhiều tăm tiếng chia sẻ một tin đặc biệt. Và ngay sau đó, hàng loạt các tài khoản đã chia sẻ lại. Song những tài khoản chia sẻ này đã phân tích và vạch rõ sự bịa đặt cũng như động cơ của người đưa tin này. 

Nội dung tin này như sau: 

“Bà chị mình là đệ tử thân tín của một sư thầy kể từ dạo đầu năm nay các thầy phải bay ra Trường sa liên tục để cầu siêu cho các chiến sỹ. Suốt mấy tháng nay, từ trước khi có vụ HD 981, bọn Tàu liên tục đánh úp ở các đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa. Các đảo lớn, nhiều lính Việt thì chúng nó không dám đánh, nhưng mỗi đảo nhỏ chỉ có vài người thôi. Cứ nửa đêm, vài chục đứa lính Tàu tràn lên đảo bắn chết hết lính Việt rồi rút luôn. Cứ vài hôm lại 1 vụ như vậy. Độ này lính Việt chết rất nhiều. Vừa hôm trước đồng đội ở các đảo lớn ra tiếp tế còn vui đùa với nhau, mấy hôm sau ra đảo đã sạch trơn, chết hết rồi. Thậm chí còn bị quăng hết xác xuống biển, không tìm được xác. 

Thế nhưng quân đội vẫn phải liên tục cử quân ra để giữ đảo. Báo chí có lẽ không biết, cũng ít được ra, mà biết thì cũng không được phép đưa tin. Sợ dân hoang mang, chả ai dám cho con ra làm lính Trường sa nữa. Nhưng các sư thầy thì biết vì phải ra và phải có danh sách để cầu siêu…”.

Một tài khoản có tên An ninh Tổ quốc vạch rõ: Hiện nay, trên Facebook chúng ta gặp không ít những thông tin bịa đặt kiểu như này do bọn phản động đội lốt dân chủ xuyên tạc nhằm gây hoang mang dư luận, hạ thấp uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và quân đội ta. Có không ít những cư dân mạng ngây thơ đã tin vào lời bịa đặt này. Điều vô lý ở đây, là việc cầu siêu của nhà sư là một thủ tục của tín ngưỡng, tâm linh, việc cầu siêu chỉ được thực hiện tại những nơi không có chiến sự hoặc sau khi chiến sự đã kết thúc và tình hình trở nên ổn định. Chứ không phải là một nghi thức bắt buộc trong quân đội thời chiến, nên không có việc nhà sư được đưa ra đảo để cầu siêu giữa lúc đang có giao tranh. Thực sự là tại các đảo do Việt Nam đóng giữ hiện nay vẫn không có diễn biến nào bất thường. Từ đảo lớn đến đảo nhỏ, quân đội ta đã xây dựng hệ thống bố phòng chặt chẽ và đủ mạnh để đánh bại bất cứ cuộc tấn công đánh úp nào của địch. Chúng ta không được quá ngây thơ mà tin vào các tin đồn bịa đặt này!

Một tài khoản khác tên là Nguyễn Hồng Phi khẳng định: Nhiều chuyện người ta “kể lại” cứ như thật, nếu “sáng tác” được bằng hình ảnh vụ này chắc chắn trên mạng cũng có đầy. Những năm 80 thì có thể chứ bây giờ thì chắc chắn không. Những tin vịt như thế này chỉ có ảnh hưởng xấu đến tinh thần gia đình quân nhân, chứ chẳng làm chế độ suy chuyển chút nào. 

Một tài khoản có tên B.G khẳng định: Bịa đấy các bạn ơi. Bây giờ người ra Trường Sa nhiều mà, tàu gần như hàng ngày ra Trường Sa mà thành phần ra cũng rộng. Tàu cá thì hàng trăm cái lượn xung quanh, không có chuyện gì là không biết đâu. Tôi khẳng định luôn, chuyện này bịa, bịa một cách thô thiển. Bọn thù nghịch đang phao tin đồn nhảm để phá hoại sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước. 

Một tài khoản tên là Nguyên Bách, tự giới thiệu là chiến sĩ hải quân đang công tác ở Trường Sa đã khẳng định: Chúng tôi vẫn từng ngày đang hết sức mình để bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt thời gian qua, tình hình trong các đảo mà quân ta đang quản lý không có vụ đụng độ quân sự cũng như không có bất kỳ trường hợp thương vong nào của các chiến sĩ giữ đảo. Nhân dân và đặc biệt cư dân mạng cần lên án những tin đồn nhảm kiểu này. Chúng tôi lên án những tin đồn nhảm này.

Rất tiếc, người đưa tin nhảm và một số người tán thưởng tin nhảm xưng là có “bà chị là đệ tử thân tín của sư thầy” lại là những người công chúng quen mặt. Dư luận có quyền nghi ngờ lòng yêu nước của những người này.