Du lịch Việt Nam bao giờ thực sự hấp dẫn?

(ANTĐ) - Theo số liệu thống kê, Việt Nam đang sở hữu khoảng 4 vạn di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ và một hệ thống các làng nghề thủ công truyền thống trải suốt từ Bắc tới Nam. Bên cạnh đó, chúng ta đã có 9 di sản được UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới. Tiềm năng nhiều mà phát triển chẳng được là bao, du lịch Việt Nam vẫn loay hoay tìm hướng đi cho mình…

Du lịch Việt Nam bao giờ thực sự hấp dẫn?

(ANTĐ) - Theo số liệu thống kê, Việt Nam đang sở hữu khoảng 4 vạn di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ và một hệ thống các làng nghề thủ công truyền thống trải suốt từ Bắc tới Nam. Bên cạnh đó, chúng ta đã có 9 di sản được UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới. Tiềm năng nhiều mà phát triển chẳng được là bao, du lịch Việt Nam vẫn loay hoay tìm hướng đi cho mình…

Bao giờ Việt Nam mới thực sự hấp dẫn du khách ?

Bao giờ Việt Nam mới thực sự hấp dẫn du khách ?

Chưa biết tận dụng tiềm năng

Trong suốt 50 năm phát triển, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều điểm yếu. PGS-TS Phạm Trung Lương - Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, hiện tại Việt Nam chưa có những sản phẩm du lịch đặc sắc mang bản sắc riêng, có sức cạnh tranh để thu hút khách từ những thị trường trọng điểm, có khả năng chi trả cao. Hoạt động xúc tiến, quảng bá, xây dựng hình ảnh Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn của khu vực còn bộc lộ nhiều hạn chế. Dù từ năm 2000 tới nay, Nhà nước đầu tư khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động xúc tiến, quảng bá, nhưng xem ra, cái cách tiếp cận thị trường của ngành du lịch vẫn còn lửng lơ, thiếu thông tin và thiếu cả trách nhiệm. Một trong những điểm yếu của ngành du lịch là đội ngũ lao động còn thiếu cả số lượng lẫn trình độ nghiệp vụ. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến trách nhiệm và tính cạnh tranh, làm giảm mức độ hấp dẫn của du lịch Việt Nam...

Tiếp tục “mổ xẻ” những thiếu sót của ngành trong cuộc hội thảo về du lịch do Bộ VH-TT-DL tổ chức, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, dù có tới 3.000km bờ biển, nhưng cho tới nay, Việt Nam chưa có được một cảng biển chuyên dụng nào cho khách du lịch tàu biển. An toàn giao thông cũng chưa đảm bảo, giá điện, giá vé máy bay và cước phí viễn thông đối với hoạt động du lịch còn cao...

Năm 2008-2009 có thể nói là năm thành công của du lịch Việt Nam, khi doanh thu từ du lịch thuộc hàng cao ở châu Á, bất chấp tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Có tín hiệu vui, nhưng thực tế, du lịch Việt Nam vẫn còn giữ khoảng cách khá xa so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia...

Bài toán cân bằng bảo tồn - phát triển

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tâm sự rằng, khi nghĩ về du lịch ông thấy buồn, các sản phẩm du lịch của ta - những thứ mà thiên nhiên đã phải mất hàng triệu năm kiến tạo đang xuống cấp nghiêm trọng. Hang Pác Bó đẹp là thế, bỗng một ngày, một bãi bê tông hiện lên rộng mênh mông, tan nát hết cả cảnh quan. Điểm mặt các bãi biển từ Trà Cổ tới Đồ Sơn, môi trường cảnh quan, bị các loại công trình kiến trúc lấn át. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan có thói quen đến thăm chùa Trấn Quốc những lúc rảnh rỗi, nhưng giờ ông bảo, không muốn đến nữa vì sợ cái màu vàng mới tinh của chùa và lạ lẫm trước cái cổng mới được xây dựng.

Nhiều năm trước đây, Nhà nước đã từng quyết định giữ lại khu di tích danh thắng Yên Tử, không cho triển khai dự án khai thác than trong khu vực di sản quan trọng này, nhưng lại cũng phải chấp nhận điều chỉnh thu nhỏ lại khu vực đệm và khu vực bảo vệ các di tích Tràng Kênh - Bạch Đằng (Hải Phòng), phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn (Ninh Bình) để nhường bớt một số núi đá cho các dự án xây dựng nhà máy sản xuất xi măng khai thác đá nguyên liệu... Nhiều đại biểu tham dự hội thảo phải kêu trời khi tình trạng xâm hại tài nguyên môi trường du lịch ở một số nơi đã ở mức báo động. Tình trạng phá rừng, ngăn suối, chặt cây làm thủy điện ở một số vùng du lịch đã phá vỡ nghiêm trọng cảnh quan, môi trường tài nguyên du lịch quý giá của đất nước.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, để xảy ra tình trạng này nguyên nhân chính là tư duy “tiểu nông” vẫn tồn tại trong ngành du lịch. Ngành du lịch mới chỉ quan tâm đầu tư vào hạ tầng dịch vụ, những cái thu được tiền ngay mà chưa quy hoạch được vào việc khai thác những tiềm năng to lớn của những giá trị lịch sử. Nhiều giá trị lịch sử đã bị bỏ qua, ví như nơi từng diễn ra trận Bạch Đằng giang nổi tiếng trong lịch sử nhà Trần đã không được nghiên cứu đến nơi đến chốn để đưa vào phục vụ du lịch là một sự lãng phí lớn.

Cảnh quan thiên nhiên của khu vực này, đặc biệt là rặng núi án ngữ cửa biển nay đã bị các nhà máy xi măng “ngốn” sạch. Nhiều khách du lịch đến Việt Nam không khỏi xót xa, lo cho “núi xác máy bay B52” ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Không quân, hay ở giữa hồ Hữu Tiệp, bởi những xác máy bay kia dù làm bằng những chất liệu bền vững nhất, mà cứ phơi sương phơi nắng thế kia thì rồi cũng có ngày... tan biến. Mà trên hành tinh này, chỉ có duy nhất Việt Nam bắn hạ được B52.

Khi mỗi di sản thiên nhiên hay di tích xuống cấp, người ta vẫn đổ tội cho ngành văn hóa, nhưng còn du lịch thì sao? Du lịch cũng không phải vô can khi chỉ biết đầu tư để khai thác cái ngắn hạn, còn lâu dài thì bỏ qua. Và nói theo nhà sử học Dương Trung Quốc, thì chúng ta đang lãng phí những giá trị lịch sử mà tổ tiên để lại.

Quỳnh Vân