Du lịch “nội” - Giảm giá mới mong hút khách

ANTĐ - Giá tour đắt đỏ, dịch vụ không mấy hấp dẫn, tâm lý muốn được xuất ngoại khiến cho khách du lịch có xu hướng chọn đi nước ngoài thay vì trong nước. Trong thời điểm ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc “tour ngoại” hút khách hơn “tour nội” không phải là một tín hiệu đáng mừng. 

Chất lượng dịch vụ là một yếu tố thúc đẩy du lịch nội địa

Đắt hàng tour ngoại 

Chỉ cần bỏ ra không tới 10 triệu đồng/người, du khách có thể tận hưởng 4-5 ngày nghỉ tại Bangkok - Pattaya (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia) hay quốc đảo Singapore - những điểm đến nổi tiếng thu hút khách du lịch tại Đông Nam Á. Trong khi đó, một du khách sẽ phải bỏ ra từ 10 - 13 triệu đồng để có được một tour đi du lịch với chất lượng tốt đến Nha Trang - Đà Nẵng - Huế - Hội An. Điều này cho thấy mức giá tour du lịch nội địa cao hơn một số địa điểm trong khu vực khiến cho cán cân du lịch đang chuyển dần sang du lịch nước ngoài. Thống kê cho thấy, trong vài năm trở lại đây, số lượng khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài tăng trưởng khá mạnh so với khách du lịch nội địa. Con số đáng lưu ý là trong năm 2012, có 3,5 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, tăng 20% so với năm 2011, trong khi khách du lịch nội địa chỉ tăng 8,3%. 

Điều này khá nghịch lý khi thực tế cho thấy, giá tour đến Việt Nam không hề đắt so với các nước trên thế giới, thậm chí luôn lọt vào top những thành phố du lịch có mức chi phí rẻ nhất. Theo website du lịch nổi tiếng Trip Advisor vừa công bố vào tháng 6 vừa qua, Hà Nội đứng đầu danh sách những thành phố chi phí du lịch rẻ nhất thế giới với mức giá 152,89 USD/ngày, rẻ hơn so với các thành phố khác tại Đông Nam Á là Jakarta (hạng 2), Bangkok (hạng 4) và Kuala Lumpur (hạng 8). Chi phí này đã bao gồm giá nghỉ một đêm tại khách sạn, bữa tối, đồ uống, taxi. Không chỉ riêng Hà Nội, Hội An và TP.HCM cũng lọt vào top những địa điểm “du lịch bụi” rẻ nhất châu Á do trang thông tin chuyên về du lịch Price of Travel bình chọn. 

Phải cam kết giảm giá

Ngoài vấn đề giá cả, chất lượng dịch vụ còn nghèo nàn, thiếu chuyên nghiệp cũng khiến cho người Việt có xu hướng bỏ qua cả những địa điểm du lịch nổi tiếng trong nước để được đi ra nước ngoài. Tham khảo ý kiến của nhiều người dân, hầu hết sẽ nhận được câu trả lời, nếu cùng số tiền như nhau thì chắc chắn ai cũng muốn ra nước ngoài. Nếu so sánh thì rõ ràng chất lượng tour nội còn thua kém so với tour nước ngoài. Nếu không có cải tiến rõ rệt về chất lượng dịch vụ cũng như các chính sách ưu đãi về giá, du lịch nội địa sẽ thất thế ngay trên sân nhà.  

Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, không thể nói tour du lịch trong nước đắt hơn tour nước ngoài. Trên danh nghĩa, những doanh nghiệp nước ngoài thường tung ra những gói du lịch khá rẻ, nhưng số tiền du khách thực sự bỏ ra không phải là thấp so với gói được chào ban đầu. Bên cạnh đó, giá thành tour phụ thuộc rất nhiều vào cấp độ, chất lượng dịch vụ mà các doanh nghiệp cung ứng. Để có thể đưa ra mức giá ưu đãi, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, cần phải có một “cam kết rõ ràng” giữa các bên, trong đó có các công ty lữ hành, khách sạn, cơ sở lưu trú, cung ứng dịch vụ… tại địa phương đó. Ông lấy dẫn chứng, với một gói tour đi Hạ Long - Yên Tử, Tổng cục Du lịch đã có bàn bạc với tỉnh Quảng Ninh, đề nghị giảm giá vé tham quan vịnh Hạ Long, cùng với đó là cam kết của doanh nghiệp miễn phí cáp treo cho đối tượng người hưu trí, học sinh, sinh viên. Nếu cùng một lúc có nhiều chính sách hỗ trợ như thế này, khách du lịch có thể hưởng mức giá ưu đãi đến 25-30% so với thông thường. 

Vừa qua, chiến dịch kích cầu du lịch với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” cũng đã được khởi động, với mục đích rõ ràng kêu gọi mỗi người có những hành động thiết thực để đóng góp vào sự phát triển chung của ngành du lịch. Hy vọng với định hướng này, du lịch nội địa sẽ trở thành “cú hích” quan trọng để tạo đà và giữ vững nhịp độ tăng trưởng của ngành du lịch, nhất là khi ngành kinh tế mũi nhọn này của nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự sụt giảm khách du lịch quốc tế do những diễn biến trên Biển Đông gây ra.