Du lịch ế khách, lỗi từ nhiều phía

(ANTĐ) - Với tổng chi phí 5,3 tỷ đồng, lần thứ 4 liên tiếp, Việt Nam chọn “đối tác chiến lược” là kênh truyền hình nổi tiếng CNN để quảng bá hình ảnh của mình. 5,3 tỷ đồng cho một clip quảng cáo 30 giây, phát 3 lần một ngày liên tục trong 3 tháng, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho đây là cái giá quá đắt. Và rồi việc quảng bá  này đang bị nghi ngờ về tính hiệu quả, khi số lượng khách du lịch ở các thị trường tiềm năng vẫn chỉ dừng ở mức hạn chế.

Du lịch ế khách, lỗi từ nhiều phía

(ANTĐ) - Với tổng chi phí 5,3 tỷ đồng, lần thứ 4 liên tiếp, Việt Nam chọn “đối tác chiến lược” là kênh truyền hình nổi tiếng CNN để quảng bá hình ảnh của mình. 5,3 tỷ đồng cho một clip quảng cáo 30 giây, phát 3 lần một ngày liên tục trong 3 tháng, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho đây là cái giá quá đắt. Và rồi việc quảng bá  này đang bị nghi ngờ về tính hiệu quả, khi số lượng khách du lịch ở các thị trường tiềm năng vẫn chỉ dừng ở mức hạn chế.

Việt Nam cần thu hút du khách bằng những tour du lịch thân thiện
Việt Nam cần thu hút du khách bằng những tour du lịch thân thiện

Được gì từ việc quảng bá?

Dù đã được Tổng Cục Du lịch Việt Nam chuẩn bị  từ trước đó rất lâu, nhưng mãi đến năm 2007, việc quảng bá hình ảnh Việt Nam trên kênh truyền hình nước ngoài mới chính thức được thực hiện, khi đó, truyền hình CNN đã được Bộ VHTT&DL “chọn mặt gửi vàng”. Và cũng từ đó đến nay, CNN luôn là đối tác của Bộ VHTT&DL trong chiến lược quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với nhiều nước trên thế giới. Là một trong những kênh truyền hình có số lượng khán giả đông nhất nhì thế giới, vì thế, cái giá cho mỗi giây lên sóng CNN đắt đỏ hơn rất nhiều so với các kênh truyền hình khác ở châu Á.

Thế nhưng, sau một thời gian “mạnh tay” quảng bá, sức hút của du lịch Việt Nam đối với các thị trường châu Âu hay Bắc Mỹ vẫn rất hạn chế. Vì thế, nhiều công ty du lịch trong nước bắt đầu nghi ngờ về hiệu quả của việc làm này. Ông Nguyễn Văn Tình - Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế - Bộ VHTT&DL Việt Nam cho biết, nhiều người đã nhầm tưởng, việc quảng bá hình ảnh trên CNN đơn thuần chỉ là “hút” khách du lịch, nhưng thực ra, mục đích sâu xa hơn, cái lợi lớn nhất mà ta thu được là để cả thế giới thấy hình ảnh của một Việt Nam tươi đẹp, hòa bình, thân thiện và năng động.

Thực tế, có nhiều người Việt Nam khi ra nước ngoài mới ngỡ ngàng rằng, hóa ra thế giới rất ít biết đến Việt Nam. Nhiều sinh viên các trường đại học lớn ở Nga, Anh, hay Hà Lan... không hề biết Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ thế giới, và đáng buồn hơn cả, nhiều người vẫn chỉ nghĩ đến Việt Nam với khuôn mặt cũ, khuôn mặt của chiến tranh, của đói nghèo và lạc hậu. Và vì thế, sứ mệnh của clip 30 giây, phát liên tục trên kênh truyền hình có số lượng người xem đông đảo nhất thế giới là để “khẳng định chính mình”.

Quảng bá tốt, chưa hẳn du lịch đã “đắt hàng”

Rõ ràng, trong thời đại ngày nay, quảng bá hình ảnh đóng vai trò cực kỳ quan trọng, và đương nhiên du lịch cũng không nằm ngoài quy luật đó. Song, có một sự thật, nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam một lần rồi “một đi không trở lại”. “Vạch lá tìm... nguyên nhân” thì có cả trăm. Nào hạ tầng còn lạc hậu, kết cấu hạ tầng cảng biển để phục vụ khách du lịch yếu kém; việc cung cấp điện, nước sạch cho các khu du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu; an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ chưa được đảm bảo; các đường bay trực tiếp tới các thị trường trọng điểm còn thấp; công suất các chuyến bay nội địa chưa đáp ứng yêu cầu của khách du lịch.

Bên cạnh đó, dịch vụ ngân hàng chưa đa dạng, chưa thuận tiện; thủ tục cho khách du lịch vào thị trường Việt Nam tham gia các loại hình du lịch mới còn phức tạp, phiền hà. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay     Singapore mỗi năm chi cho việc quảng bá điểm đến đều trên dưới 100 triệu USD, trong khi đó, số tiền chi cho việc làm này hàng năm của Việt Nam không quá 2 triệu USD....

Có một điểm nữa thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp đó là sự nghèo nàn về sản phẩm du lịch. Chúng ta có vài ngàn di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, “gia tài” đó là niềm mơ ước của nhiều nước trong khu vực. Nhưng ai cũng hiểu, cứ khai thác kiểu “bóc ngắn cắn dài”, di tích, danh lam rồi cũng hao mòn. Điều hiển nhiên, nếu không có sản phẩm du lịch thực sự hấp dẫn thì khó níu chân du khách, mong chờ họ quay lại đã khó, thì còn hy vọng gì vào việc “mỗi du khách là một đại sứ quảng bá cho du lịch Việt Nam khi về nước”.

Như thế có nghĩa, vấn đề của du lịch Việt Nam hiện nay cùng với việc quảng bá còn phải nằm ở sự đồng bộ của cả hệ thống. Và quảng bá cũng chỉ là một khâu cuối cùng trong cả hệ thống đó. Du lịch không hút khách, đừng đổ tại quảng bá.

Quỳnh Vân