Dự án vành đai 4 gặp khó về nguồn cung vật liệu, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo tháo gỡ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhu cầu vật liệu phục vụ Dự án Vành đai 4 đoạn qua Hà Nội cần 1,87 triệu m3 đất đắp, khoảng 5,53 triệu m3 cát… nhưng nguồn cung hiện đang gặp khó khăn. Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu tháo gỡ ngay trong tháng 9.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì cuộc họp

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì cuộc họp

Chiều 12-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô chủ trì giao ban Ban Chỉ đạo để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc về mỏ vật liệu cho dự án.

Theo báo cáo, về tiến độ dự án thành phần 2.1, trên toàn tuyến đường song hành, các nhà thầu đã tổ chức 11 mũi thi công, đồng thời đang làm thủ tục cấp phép triển khai thi công 16 cầu vượt sông, kênh mương trên tuyến...

Dù vậy, dự án đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu đất, cát. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, đây là tình trạng chung đang diễn ra trên cả nước vì những vướng mắc về cơ chế.

Cụ thể, nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường dự kiến phục vụ Dự án Vành đai 4 trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh dự kiến gồm: Đất đắp K98, K95, đắp bao: 9,656 triệu m3; cát đắp K95, cát xử lý nền đất yếu: 7,5 triệu m3.

Trong đó, nhu cầu vật liệu phục vụ Dự án thành phần 2.1 và Dự án thành phần 3 trên địa phận Hà Nội gồm: Đất đắp K98, đắp bao: 1,872 triệu m3; cát đắp nền K95, cát xử lý đất yếu: 5,532 triệu m3.

Đến nay, đơn vị tư vấn đã khảo sát tổng số 17 mỏ đất với tổng trữ lượng 57,24 triệu m3, bao gồm 3 mỏ tại Hà Nội, 6 mỏ tại Hòa Bình, 4 mỏ tại Vĩnh Phúc, 4 mỏ tại Thái Nguyên. Tuy nhiên hiện các nhà thầu mới chỉ sử dụng vật liệu từ nguồn thương mại bao gồm 12 mỏ đất đắp và cát đắp.

Nguồn vật liệu thương mại do vận chuyển xa (không có mỏ nào thuộc địa bàn Hà Nội) nên giá quá cao so với đơn giá nhà nước. Đặc biệt, đến nay, chưa có mỏ vật liệu nào được thực hiện theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ...

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng giao Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội chỉ đạo, các sở, ban, ngành, quận, huyện, đơn vị liên quan tập trung cao độ hoàn thành các thủ tục cần thiết để lập danh mục các mỏ vật liệu đất, cát đắp trên địa bàn thành phố.

Cùng đó, đơn giản hóa, rút ngắn tối đa các thủ tục, áp dụng cơ chế đặc thù cho phép chỉ định khai thác theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, đây là việc làm cấp thiết để bảo đảm vừa tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển, hạ giá thành, vừa đáp ứng ổn định, lâu dài nhu cầu vật liệu thi công. Vì thế, cần tập trung hoàn thành dứt điểm nhiệm vụ này ngay trong tháng 9-2023.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị giao Công an thành phố Hà Nội vào cuộc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên việc thực hiện pháp luật về khai thác khoáng sản tại các mỏ cát, mỏ đất trên địa bàn thành phố, kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn khoáng sản, ưu tiên phục vụ cho các công trình trọng điểm quốc gia.