- Vay 53.000 tỷ đồng hoàn thiện hai tuyến đường sắt đô thị
- Lập Ban Chỉ đạo quốc gia về triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam
- Trung Quốc đồng ý cho vay thêm 250 triệu USD làm đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Cao tốc Hà Nội- Hải Phòng hiện phí thu hàng ngày không đủ trả lãi vay
Chính phủ vừa đồng ý Nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ để làm cao tốc Bắc Nam. Nhưng dòng tiền còn lại sẽ lấy ở đâu trong bối cảnh tín dụng dành cho hạ tầng giao thông đang ngày một cạn?
Nhà đầu tư trong nước lực đã yếu
Theo đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Hà Nội - TP.HCM do Bộ GTVT xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến, dự án sẽ được phân kỳ thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (từ năm 2017-2022), tổng chiều dài đầu tư là 684km, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 140.116 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước khoảng 55.000 tỷ đồng đã được Chính phủ thông qua, nguồn vốn cần huy động từ các nhà đầu tư là 61.591 tỷ đồng…
Ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhìn nhận, nguồn vốn đầu tư dự án chỉ có thể từ ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, hiện nay, các ngân hàng rất cảnh giác cho vay dự án BOT giao thông vì nợ xấu nhiều. “Các doanh nghiệp rất khó để vay vốn nội địa và sẽ xem xét chuyển sang vay vốn nước ngoài. Nhưng các nhà đầu tư cũng phải cân nhắc về lãi suất, tiến độ giải ngân, trả nợ...” - ông Lê Xuân Nghĩa phân tích. Theo các quy định hiện hành, nhà đầu tư phải bỏ ra ít nhất 15% tổng số vốn của dự án BOT. Đây là con số rất lớn nên các nhà đầu tư sẽ phải chịu rất nhiều rủi ro, trong đó có cả rủi ro về lãi suất.
“Nếu lợi nhuận dưới 15%, sẽ không nhà đầu tư nào dám làm dự án đường cao tốc. Hơn nữa, khả năng thu hút vốn từ các nhà đầu tư trong nước là rất thấp vì các doanh nghiệp đã dồn hết lực vào các dự án BOT thời gian qua”.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI)
Để khơi thông nguồn vốn trong nước, Bộ GTVT kiến nghị nhiều cơ chế đặc thù như đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư ở mức tối thiểu 14% (lợi nhuận của doanh nghiệp làm dự án nâng cấp, mở rộng QL1 ở mức 11,5-14%), cho phép nhà đầu tư khai thác lợi ích của các trạm dừng nghỉ trên tuyến…
Đặc biệt, Bộ GTVT còn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới rộng các chính sách hiện hành về hạn mức cho phép lấy tiền gửi ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn (vòng đời thu phí cao tốc khoảng 24 năm). Ngoài ra, Bộ GTVT cho biết cũng đang tập trung kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài tham gia làm cao tốc Bắc - Nam.
Lợi nhuận cao tốc nên bằng các dự án BOT khác
Góp ý kiến thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường cao tốc Bắc-Nam, Bộ Tài chính cho rằng, để đảm bảo tính khả thi của phương án huy động vốn giai đoạn 1 là 61.591 tỷ đồng, cần làm rõ cơ sở đề xuất tổng mức vốn do nhà đầu tư huy động. Trên cơ sở đó, cần đánh giá rõ tính khả thi của nguồn vốn huy động, trong đó có khả năng cho vay của các tổ chức tín dụng, lãi suất vay và các điều kiện kèm theo.
Do thời gian thực hiện dài, quy mô vốn lớn, dự án sẽ gặp phải nhiều yếu tố rủi ro từ giai đoạn thiết kế, xây dựng đến vận hành, khai thác. Bộ Tài chính cũng đặt vấn đề cần lý giải sự hợp lý về tiến độ đầu tư và bố trí vốn của dự án, như tăng các dự án thành phần được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ nhằm giảm chi phí đầu tư cũng như giảm tần suất các đoạn tuyến thu phí để từ đó giảm chi phí lưu thông trên tuyến, nhất là trong điều kiện trên tuyến QL1 đang có quá nhiều trạm thu phí.
Về mức lợi nhuận của nhà đầu tư, Bộ Tài chính cho rằng, Bộ GTVT chưa xây dựng nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa nhà đầu tư và Nhà nước trong các dự án thành phần. Mức lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 14%/năm có thể đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài, song tương đối cao so với mặt bằng lợi nhuận của các dự án đường bộ hiện nay (cao gấp 2,15 lần so với mức lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại). Trong khi đó, mức lãi suất vốn huy động và vốn vay đang có xu hướng giảm. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc mức lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 11,5% như các dự án BOT QL1.
Đề cập đến bảo lãnh riêng cho dự án của Chính phủ, Bộ Tài chính thừa nhận, pháp luật hiện hành chưa có quy định về bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh của bên thứ ba; riêng cam kết bảo đảm cân đối ngoại tệ đã được Chính phủ quy định. “Do việc bảo lãnh doanh thu tối thiếu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ ba đối với trách nhiệm của Chính phủ sẽ dẫn đến rủi ro cao khiến ngân sách Nhà nước phải trả chi phí, làm tăng thêm nợ công, vì vậy, đề nghị không nêu nội dung trên trong cơ chế thực hiện dự án”, đại diện Bộ Tài chính cho ý kiến.