Đột phá chất lượng đào tạo nghề: Nên để doanh nghiệp tham gia

ANTĐ - Tại CHLB Đức - một trong những nước có nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới, 80% học sinh sau trung học tham gia học nghề, chỉ có khoảng 20% học lên Đại học. Còn tại nước ta, tình trạng này đang diễn ra ngược lại và ngay bản thân khâu đào tạo nghề cũng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Đào tạo nghề cần gắn với thị trường và nhu cầu doanh nghiệp

Chưa gắn với thị trường

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, chất lượng đào tạo nghề chính là một sản phẩm cung cấp cho thị trường và cũng giống các sản phẩm khác nó được phân hạng theo loại tốt, loại kém. Hiện nay, lĩnh vực đào tạo nghề ở nước ta mới bắt đầu quan tâm đến chất lượng, phấn đấu đến năm 2020 đạt được mục tiêu có khoảng 290.000 lao động, chiếm khoảng 10% số lao động qua đào tạo nghề có chất lượng cao theo tiêu chuẩn đào tạo nghề của khu vực và thế giới. Nói vậy để thấy, chất lượng đào tạo nghề ở nước ta hiện còn rất yếu kém, trình độ lao động qua học nghề rất hạn chế, “hầu hết mới là sản phẩm bậc trung và kém chất lượng”.

Đã thế, việc đào tạo nghề ở nước ta hiện vẫn chủ yếu chạy theo số lượng “đầu vào” mà không chú ý đến “đầu ra”, thiếu sự phân luồng, định hướng từ đầu. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Ngọc Phi cho biết, đa số học sinh nước ta  còn tâm lý cố theo đuổi giấc mơ đại học bằng được, trừ khi khả năng quá kém mới chịu đi học nghề. Tình trạng này kéo dài nhiều năm qua và trong bối cảnh kinh tế hiện nay đã bộc lộ những hệ lụy to lớn mà xã hội đang phải gồng mình giải quyết. Cụ thể là hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học không thể tìm được việc làm do thị trường lao động không có nhu cầu, ngược lại hàng nghìn doanh nghiệp luôn trong cảnh rất khó khăn để tuyển dụng được công nhân kỹ thuật, lao động đã qua đào tạo nghề đúng lĩnh vực và có chất lượng. Mặt khác, gần như 100% lao động nghề đã qua đào tạo khi vào làm việc tại các doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại từ đầu.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS. Lê Văn Hiền, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Lilama 2 phân tích thêm, muốn đột phá chất lượng đào tạo nghề cần phải thay đổi căn bản 3 yếu tố, trong đó giáo trình đào tạo phải gắn với nhu cầu thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; giáo viên dạy nghề phải có kiến thức và kỹ năng, kinh nghiệm thực tế phù hợp với lĩnh vực giảng dạy; thiết bị phục vụ đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu học tập. Đáng tiếc, ở hầu hết các cơ sở dạy nghề nước ta hiện nay, cả 3 khâu này vẫn còn rất yếu kém.

Đề cao vai trò doanh nghiệp

Theo tiêu chuẩn đào tạo nghề của khu vực và quốc tế, giáo trình dạy nghề phải có 70% số tiết học là thực hành, chỉ 30% học lý thuyết, muốn đạt được tiêu chuẩn này thì việc đề cao trách nhiệm tham gia của các doanh nghiệp rất cần thiết. Theo các chuyên gia trong nước, muốn dạy nghề gắn với nhu cầu thực tiễn của sự phát triển, gắn với thị trường lao động và bám sát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đã đến lúc nhà nước nên cho phép các doanh nghiệp tham gia vào khâu đào tạo, cùng đóng góp ý kiến soạn thảo giáo trình tại các cơ sở dạy nghề và định hướng đào tạo nghề cho học sinh.

Năm 2011, cả nước có 136 trường cao đẳng nghề, 308 trường trung cấp nghề, 849 trung tâm dạy nghề và hơn 1.000 cơ sở khác, tuy nhiên tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề mới đạt 32%. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi nhấn mạnh, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, nước ta đạt tỷ lệ 50% học sinh sau trung học được tham gia học nghề. Muốn vậy, cần phải mạnh dạn phân luồng, đẩy mạnh định hướng cho học sinh ngay từ khi còn học trung học. Đặc biệt phải hướng đến đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước cũng như xuất khẩu lao động chất lượng cao.

Nhân lực quyết định năng lực cạnh tranh

Ngày 10-10, phát biểu tại Hội nghị khu vực về đào tạo nghề tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó có đào tạo nghề, được Chính phủ quan tâm đặc biệt và tập trung mọi nỗ lực nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của nhân lực Việt Nam, bởi đây chính là yếu tố quyết định sức cạnh tranh chung của nền kinh tế và phát triển xã hội. Theo Phó Thủ tướng, để hội nhập, nguồn nhân lực Việt Nam cần phải đạt các chuẩn nghề nghiệp, đáp ứng được các tiêu chuẩn lao động của thị trường lao động khu vực và thế giới. Muốn vậy, đào tạo nghề phải tự đổi mới, đổi mới toàn bộ và tích cực học hỏi những kinh nghiệm của thế giới.