Quận Thanh Xuân, Hà Nội

Đồng sức, chung lòng thực hiện giải phóng mặt bằng đường Vành đai 2,5

ANTD.VN - Ngày 28-5, đồng chí Võ Đăng Dũng - Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, Hà Nội chủ trì hội nghị thông báo về kế hoạch tiến độ thu hồi đất giải phóng mặt bằng; các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5 đoạn từ đường Nguyễn Trãi (Quốc lộ 6) đến Đầm Hồng.

"Quận sẽ mời cơ quan tư vấn, thẩm định, xây dựng phương án giá, trình Hội đồng thẩm định phê duyệt theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5", Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng, nêu rõ quan điểm, cách làm trong triển khai GPMB dự án quan trọng này.

Hội nghị được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao quận, với sự tham dự của đại diện hàng trăm hộ gia đình và các tổ chức thuộc 4 phường trên địa bàn quận Thanh Xuân, có đất liên quan phạm vi dự án

Đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống giao thông đô thị

Tham dự hội nghị có hơn 600 người dân đại diện cho 664 hộ gia đình, cá nhân và 17 tổ chức có đất nằm trong diện giải phóng mặt bằng thu hồi đất xây dựng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5 đoạn từ đường Nguyễn Trãi (Quốc lộ 6) đến Đầm Hồng thuộc 4 phường: Thượng Đình, Hạ Đình, Khương Đình, Khương Trung

Theo ông Đinh Văn Hải - Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân, Dự án xây dựng đường Vành đai 2,5 đoạn từ Nguyễn Trãi (Quốc lộ 6) đến Đầm Hồng có chiều dài khoảng 1.520m do UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư. Điểm đầu tại Km0+000,00 kết nối với đường Nguyễn Trãi (Quốc lộ 6) thuộc địa bàn phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân; điểm cuối: Km1+520,00 kết nối đường Vành đai 2.5 đoạn Đầm Hồng, Quốc lộ 1 thuộc địa phận phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.

Cấp hạng tuyến đường là đường liên khu vực; vận tốc thiết kế 60km/h. Các hạng mục đầu tư chủ yếu: Nền mặt đường, hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước sạch, hè đường, cây xanh, hệ thống chiếu sáng, hệ thống đường ống kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy,... Các hạng mục trên được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

Dự án có tổng diện tích đất thu hồi hơn 60.000 m2 của 681 trường hợp (664 hộ dân và 17 tổ chức), và 36 trường hợp đã thu hồi đất năm 2003 (thuộc các phường Thượng Đình, Hạ Đình, Khương Trung, Khương Đình). Thời gian thực hiện dự án đã phê duyệt năm 2022 - 2026.

Mục tiêu của dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5 đoạn từ Nguyễn Trãi (Quốc lộ 6) đến Đầm Hồng nhằm góp phần hoàn thiện, thông suốt tuyến đường Vành đai 2,5, nâng cao hiệu quả đầu tư; đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống giao thông đô thị, phù hợp với quy hoạch tổng thể chung của thành phố Hà Nội. Dự án hoàn thành sẽ góp phần giải quyết tình trạng ách tắc giao thông khu vực, hạn chế tối đa các xung đột giao cắt, tăng khả năng thông hành của các phương tiện tham gia giao thông cũng như đảm bảo an toàn cho người điều khiển, thúc đẩy đô thị hóa tại quận Thanh Xuân nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.

Có 21 ý kiến được trình bày tại hội nghị

Cố gắng đảm bảo tối đa quyền lợi cho người dân

Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, trao đổi và giải đáp hết sức thẳng thắn, trách nhiệm, tại hội nghị, đã có 21 ý kiến đại diện các hộ dân trên địa bàn 4 phường (Khương Đình, Khương Trung, Hạ Đình, Thượng Đình) nêu, cơ bản thể hiện sự đồng tình cao với chủ trương của Nhà nước triển khai Dự án nhằm bảo đảm đồng bộ của hệ thống giao thông đô thị, giải quyết tình trạng ách tắc giao thông khu vực.

Các hộ dân cũng đề nghị Chủ đầu tư thực hiện dự án, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án quan tâm áp dụng đơn giá bồi thường, bố trí nhà tái định cư bảo đảm tốt nhất cho người dân, ít nhất bằng hoặc hơn nơi ở cũ theo quy định, để người dân ổn định cuộc sống.

Giải đáp các vấn đề người dân kiến nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Hồng Thắng - Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án cho biết, quá trình thực hiện GPMB, cơ quan chức năng sẽ cố gắng đền bù giá đất tiệm cận với giá thị trường theo quy định. Chính sách tái định cư cũng sẽ được nghiên cứu, đề xuất theo hướng có lợi nhất cho người dân, trên cơ sở tuân thủ nghiêm quy định pháp luật.

"Hiện nay, thành phố đã phân bổ cho Dự án này khoảng 180 căn hộ chung cư. Nếu tiền hỗ trợ không đủ mua tái định cư, UBND quận sẽ đề xuất Thành phố phương án cho hộ dân mua nhà trả chậm 10 năm", ông Lê Hồng Thắng bày tỏ.

“Về một số hộ dân đất đủ điều kiện cấp "sổ đỏ", nhưng chưa được cấp, vẫn sẽ được hưởng quyền lợi như hộ đã có "sổ đỏ". Đối với căn hộ có nhiều thế hệ sinh sống, diện tích nhà nhỏ, trong quá trình kiểm đếm, thực hiện dự án, UBND quận sẽ chỉ đạo các tổ công tác làm việc cụ thể với từng hộ, thống nhất các giải pháp triển khai” - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân nêu rõ.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng thông tin, Dự án này được phê duyệt hơn 20 năm, nằm trong tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sau hội nghị, UBND quận sẽ mời cơ quan tư vấn, thẩm định, xây dựng phương án giá, trình Hội đồng thẩm định phê duyệt theo quy định. Giá đất sẽ có hệ số K điều chỉnh, để bảo đảm quyền lợi của người dân.

“Quan điểm của quận là triển khai thực hiện dự án công khai, minh bạch, tạo điều kiện tối đa cho người dân trên cơ sở các quy định của pháp luật”- Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng nhấn mạnh, và mong muốn người dân trên địa bàn đồng lòng, đồng thuận, chung sức cùng quận và cơ quan chức năng, để Dự án sớm được triển khai, góp phần khang trang, hiện đại, văn minh cho Thành phố, cũng như đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt, điều kiện sống của nhân dân.