Đồng phục học sinh: Đẹp hay tiết kiệm?

ANTĐ - Không ai không muốn con mình gọn gàng, chỉn chu trong bộ đồng phục để bước vào năm học mới, nhưng xét đến khía cạnh kinh tế thì không phải gia đình nào cũng sẵn sàng chi ra khoản tiền này bên cạnh mối lo phải trang trải hàng loạt chi phí khác cho con đi học. Đây cũng chính là lý do khiến việc mua sắm đồng phục mới của các trường đang gây ra những phản ứng khá gay gắt giữa một bên là đẹp, một bên là tiết kiệm.

Nhiều phụ huynh cho rằng đồng phục học sinh không nên quá cầu kỳ, giá thành vừa phải

Đẹp nhưng không phù hợp

Vụ việc tại trường tiểu học Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội đưa ra yêu cầu đổi đồng phục mới cho học sinh với mức giá lên tới gần 700.000 đồng/bộ đang khiến phụ huynh phản ứng mạnh. Để giải quyết vụ việc này,  Phòng GD-ĐT huyện Thường Tín yêu cầu nhà trường phải dừng việc may đồng phục mới dù trường này đã ký hợp đồng với nhà may.

Theo ý kiến của  Ban đại diện cha mẹ học sinh trường tiểu học Văn Bình, việc lựa chọn mẫu mã mới được xem là bước “đột phá” khi khác hẳn kiểu dáng đồng phục cũ với hình thức bắt mắt, hiện đại hơn. Thậm chí học sinh ở đây sau khi thử đồng phục còn miêu tả với cha mẹ là “con trông như chú rể”. Cũng chính vì kiểu dáng hiện đại này mà giá đồng phục được đưa ra cho học sinh lớp 1-2 là 629.000 đồng/bộ, lớp 3 giá 661.000 đồng/bộ và lớp 4-5 giá 693.000 đồng/bộ. Mức giá này được người dân địa phương ở đây, vốn đa phần là nông dân, so sánh giá trị ngang bằng hoặc hơn 1 tạ thóc. 

Trước sự việc này, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thường Tín cho biết, Phòng GD-ĐT đã nhận được phản ánh của phụ huynh trường tiểu học Văn Bình. Phòng đã yêu cầu nhà trường báo cáo sự việc. Qua báo cáo của trường, Ban giám hiệu chỉ tư vấn cho ban đại diện phụ huynh về hình dáng, logo, hình mẫu, kiểu cách, còn may như thế nào là quyết định của Ban đại diện phụ huynh. Tuy nhiên, với mức tiền may đồng phục gần 700.000 đồng/bộ là quá cao so với thu nhập của người dân.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phòng GD-ĐT huyện Thường Tín đã chỉ đạo cho trường tiểu học Văn Bình phải họp toàn thể phụ huynh để thống nhất lại việc may đồng phục cho học sinh vào ngày17-8. “Biên bản cuộc họp cho thấy, về việc may đồng phục, mới phụ huynh nào đồng ý mua thì mua, không có việc trường bắt ép. Học sinh vẫn có thể mặc đồng phục của năm học cũ. Tuy nhiên, Phòng GD-ĐT thấy đây là phương án không ổn, không thể học cùng trường mà lại có học sinh mặc đồng phục mới, đẹp, có học sinh dùng đồng phục cũ. Do vậy, quan điểm chỉ đạo của phòng là yêu cầu nhà trường dừng, không làm bộ đồng phục này mà vẫn dùng mẫu và sử dụng bộ đồng phục cũ.” - ông Nguyễn Văn Dũng cho biết.

Tiết kiệm và chủ động

Việc mua sắm đồng phục cho học sinh hiện nay đã được đa số phụ huynh học sinh ủng hộ và đưa vào quản lý theo quy định của Bộ GD-ĐT. Theo đó, tùy theo khí hậu, thời tiết các vùng, miền, căn cứ vào điều kiện của nhà trường, được cha mẹ học sinh đồng thuận về chủ trương, hiệu trưởng nhà trường sẽ quyết định việc mặc đồng phục và quy định kiểu dáng, màu sắc, số ngày mặc đồng phục trong tuần. Bộ GD-ĐT cũng quy định, phụ huynh học sinh hoặc Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục theo góp ý trên của nhà trường. Trong trường hợp cần có sự thay đổi kiểu dáng, màu sắc đồng phục phải được sự đồng ý của Hội đồng nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Thực tế, một hiệu trưởng trường tiểu học quận Hoàn Kiếm cho biết, đồng phục học sinh qua một thời gian 5, 6 năm sẽ lỗi mốt và chất lượng vải cũng không đáp ứng nhu cầu của học sinh sau một thời gian sử dụng như quá nóng, quá dày hoặc quá mỏng, thôi màu, phai màu… Chính vì vậy, việc thay đổi mẫu mã, chất liệu đồng phục là nhu cầu xuất phát từ thực tế chứ không hoàn toàn từ ý kiến của nhà trường hay một cá nhân phụ huynh nào.

“Nhìn các con lứa tuổi hiếu động, chạy nhảy nhiều mà phải mặc bộ đồng phục thể thao chất liệu nilon nóng, không thấm mồ hôi cả ngày ở trường, bản thân tôi cũng là phụ huynh hiểu rằng nếu thay đổi được chất liệu tốt hơn sẽ tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của các con” - vị hiệu trưởng này cho biết. Tuy nhiên, để thay đổi một bộ đồng phục mới cho cả nghìn học sinh trong trường sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề. “Theo tôi, cũng không nên vì tiết kiệm mà thấy không phù hợp vẫn không dám thay đổi. Biện pháp trường tôi đưa ra là trang bị đồng phục mới cho học sinh lớp 1. Với các lớp 2, 3, 4 và 5, tùy theo nhu cầu của phụ huynh lựa chọn.

Với những gia đình chưa có điều kiện, đồng phục cũ vẫn sử dụng tốt thì không cần thay mới. Còn những ai có nhu cầu thì có thể đặt mẫu đồng phục mới với giá cả có cao hơn nhưng không nhiều so với giá đồng phục cũ. Ngoài ra, phụ huynh hoàn toàn có thể tự may hoặc đặt may theo mẫu đồng phục của trường nếu có thể tìm được giá thành thấp hơn.” - vị hiệu trưởng này cho biết. Cần để phụ huynh chủ động và hiểu được mục đích của việc trang bị đồng phục mới. Không thể yêu cầu ngay lập tức tất cả học sinh phải thay đổi đồng phục là điều mà vị hiệu trưởng này chia sẻ trong việc mua sắm đồng phục cho học sinh hiện nay.