Đồng phục học sinh, chuyện nói mãi vẫn thế

ANTĐ - Đồng phục học sinh, một lần nữa lại trở thành vấn đề nóng đối với các phụ huynh khi con em mình bắt đầu vào năm học mới…

Bước vào năm học mới, không ít phụ huynh học sinh phải chạy vạy để lo đủ các khoản tiền phải nộp như tiền học, tiền sách giáo khoa, tiền xây dựng trường. Nhưng néo mặt hơn là các thu tự nguyện, mà mỗi trường đề ra một mức thu khác nhau đó là tiền xây dựng trường lớp, rồi nộp quỹ phụ huynh trường và quỹ phụ huynh lớp… 

Vừa chạy vay để nộp đủ các khoản trên và chưa kịp thở, thì phụ huynh học sinh lại nhận được yêu cầu đóng tiền mua đồng phục cho com em mình.

Học sinh đi học thì phải mặc đồng phục, phụ huynh đều nhất trí như vậy, vì mỗi trường có một kiểu đồng phục riêng biệt để dễ quản lý học sinh.

Không ít học sinh nói rằng chúng sợ mặc đồng phục vì nó không chỉ gò bó, mà cái chính là chất lượng vải quá kém (bởi vải may quần và áo đều 100% ni lon) mồ hôi chảy ra không thấm. Chưa kể đến quần áo đồng phục may rất ẩu. Một số gia đình khá giả đành đóng tiền mua đồng phục ở trường cho con rồi lặng lẽ... bỏ đi, sau đó tìm mua vải đúng mầu để may đồng phục khác cho con. Còn gia đình không có điều kiện thì đành vậy…

Đồng phục mặc đi học mỗi học sinh ít nhất cũng phải 2 bộ, rồi lại thêm áo dài tay và tiếp đó là đồng phục áo khoác cho mùa đông. Nói là áo khoác, nhưng vải may áo bằng vi ni lon mỏng tan làm sao có thể  chống được gió rét. Nếu cứ mặc áo khoác này thì học sinh cảm lạnh hết…

Chưa dừng lại ở việc trên, nhiều trường còn đưa ra quy định buộc học sinh phải mặc đồng phục thể dục những ngày có tiết thể dục, buộc các phụ huynh học sinh lại nhắm mắt đóng tiền mua cho xong.

Chuyện bất cập về đồng phục của học sinh từ cấp Tiểu học rồi Trung học cơ sở hay Trung học phổ thông có lẽ nói mãi cũng không hết. Những ai đã và đang có con đi học mới thấu hiểu được điều này, nhất là khi không ít trường đã tìm cách ép phụ huynh học sinh phải mua đủ các loại đồng phục cho con mình… Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng biết điều này, nhưng sao không có biện pháp chấn chỉnh cho hợp lý để học sinh và phụ huynh bớt đi nỗi khổ.