Về vụ kiện Trung Quốc của Philippines, Tòa Trọng tài tại La Hay sẽ ra phán quyết vào cuối năm 2015, và điều quan trọng là quyết định này có thể sẽ là quyết định quan trọng nhất mà các cơ quan xét xử thuộc Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc đưa ra. Không những vậy, quyết định này sẽ đánh dấu ranh giới cho các tranh chấp ở Biển Đông, bởi vì các Thẩm phán hầu như chắc chắn họ sẽ nói rằng đường chín đoạn của Trung Quốc là tuyên bố không có giá trị đối với lĩnh vực hàng hải. Việt Nam mới đây đã “bày tỏ lập trường” đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài Liên hiệp quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông có thể bị ảnh hưởng bởi vụ kiện Trọng tài Biển Đông, Việt Nam đã bày tỏ với Tòa trọng tài về lập trường, quan điểm của mình đối với vụ kiện và đề nghị Tòa trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý đó của Việt Nam”. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, trước đó đã tuyên bố: “Việt Nam sẽ làm hết sức mình, bằng các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ độc lập, chủ quyền thiêng liêng của mình và biện pháp pháp lý là một biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, là một biện pháp tiến bộ, văn minh, trong giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia trên tất cả các lĩnh vực, kể cả chủ quyền lãnh thổ”.
Đối với một số sự kiện chính trị nội bộ các nước Đông Nam Á như quá trình trở lại của nền dân chủ Thái Lan hoặc cuộc bầu cử tại Myanmar, cho đến thời điểm này, không thấy có bất kỳ một dấu hiệu nào cản trở sự ổn định của nền chính trị các nước này. Cuộc bầu cử Quốc hội Myanmar dự kiến được tổ chức vào cuối năm 2015, sẽ là một bước tiến mới của tiến trình chuyển tiếp kéo dài gần 4 năm tại nước này, từ chính quyền quân nhân sang chính quyền dân sự, diễn ra một cách bền vững. Cuộc bầu cử Quốc hội vào cuối năm 2015 do Chính phủ quân sự tạm quyền tuyên bố, trong đó, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và các tướng lĩnh tham gia đảo chính hồi tháng năm nay không tham gia kỳ bầu cử như họ từng cam kết chắc chắn sẽ mang tới cho Thái Lan một giai đoạn ổn định về chính trị.
Về kinh tế, Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang lại những cơ hội và thách thức mới cho khu vực. Theo dự kiến, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được hình thành và phát triển vào nửa cuối năm 2015 để khối ASEAN có thể có những bước tiến lớn trong việc giảm bớt các rào cản thương mại trong khu vực vào trước hạn chót 31-12-2015... AEC ra đời sẽ là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á, hướng tới mô hình cộng đồng kinh tế - an ninh - xã hội theo kiểu Liên minh châu Âu. Kinh tế khu vực dự kiến sẽ được nâng cao tính cạnh tranh, giúp ASEAN trở thành một thị trường rộng lớn đồng thời là nhà xuất khẩu lớn của thế giới. Nếu được thành lập, AEC sẽ là một thị trường chung có quy mô lớn với hơn 600 triệu dân và tổng GDP hàng năm vào khoảng 2.000 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 7,36% kim ngạch xuất khẩu và 8,5% kim ngạch nhập khẩu.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mặc dù chỉ có 4 nước khu vực Đông Nam Á tham gia, nhưng chắc chắn sau khi hiệp định được phê chuẩn, TPP sẽ đem lại một diện mạo mới cho kinh tế khu vực. Ông Michael Froman, đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho rằng kiến thỏa thuận giữa 12 thành viên TPP sẽ được chốt lại vào giữa năm 2015, để Quốc hội Mỹ có thể phê chuẩn vào cuối năm tới, trước khi kỳ tranh cử Tổng thống Mỹ 2016 bước vào hồi quyết liệt. TPP sẽ tạo ra sân chơi mới với sự đóng góp của 40% GDP cùng 30% trao đổi thương mại toàn cầu. Việt Nam cũng như các nước sẽ phải thay đổi nhiều để có thể hưởng lợi từ TPP.