Động lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Hàn Quốc mang theo nhiều thông điệp, bao hàm nhiều ý nghĩa và cũng là sự khởi đầu của nhiều tiến trình mới, tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc lên tầm cao mới.

Hợp tác tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đang có chuyến thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 30-6 đến 3-7 theo lời mời của Thủ tướng Đại Hàn Dân Quốc Han Duck Soo và Phu nhân. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Hàn Quốc kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022; đồng thời là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ sau 5 năm và cũng là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kể từ khi đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Chính phủ.

Chuyến thăm Hàn Quốc góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc lên tầm cao mới

Chuyến thăm Hàn Quốc góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc lên tầm cao mới

Chuyến thăm diễn ra trong giai đoạn quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang phát triển tốt đẹp, hai nước nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào năm 2022. Hai nước thúc đẩy quan hệ trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội… giao lưu cấp cao tiếp tục được duy trì bằng nhiều hình thức linh hoạt, qua đó không ngừng củng cố lòng tin chính trị giữa hai nước.

Lãnh đạo nước ta đã tiến hành gần 20 chuyến thăm chính thức Hàn Quốc. Trong đó, Tổng Bí thư - nhà lãnh đạo cao nhất của nước ta tới nay đã 3 lần thăm chính thức Hàn Quốc. Đó là các chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười vào tháng 4-1995, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 11-2007 và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10-2014. Chủ tịch nước ta đã thăm Hàn Quốc 3 lần; Thủ tướng Chính phủ thăm Hàn Quốc 7 lần và Chủ tịch Quốc hội thăm Hàn Quốc 6 lần.

Tổng thống Hàn Quốc đã thăm Việt Nam 10 lần; Thủ tướng Hàn Quốc thăm 3 lần; và Chủ tịch Quốc hội thăm 11 lần. Trong đó, các chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc là chuyến thăm của Tổng thống Kim Yeong Sam tháng 11-1996, Tổng thống Kim Dae Joong tháng 12-1998, Tổng thống Roh Moo Hyeon tháng 10-2004 và tháng 11-2006, Tổng thống Lee Myeong Bak tháng 10-2009 và tháng 10-2010, Tổng thống Park Geun Hye tháng 9-2013, Tổng thống Moon Jae In tháng 11-2017 và tháng 3-2018, Tổng thống Yoon Suk Yeol tháng 6-2023.

Hai nước đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau. Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí đối tác số một về đầu tư trực tiếp; số hai về hợp tác phát triển (ODA) và du lịch; số ba về lao động, thương mại của Việt Nam. Về thương mại, trong năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đạt 76,1 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 23,5 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 52,6 tỷ USD. Nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc có giá trị 29,2 tỷ USD, giảm 23,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Bốn tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 8,4 tỷ USD, tăng 10,2%; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 17,1 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc là 8,7 tỷ USD, tăng 2,3%. Về đầu tư trực tiếp, tính lũy kế đến tháng 4-2024, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đăng ký hơn 87 tỷ USD tổng vốn đăng ký, 9.957 dự án đầu tư từ doanh nghiệp Hàn Quốc, với tổng vốn đăng ký gần 87 tỷ USD, chiếm 25,1% tổng số dự án và 18,25% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc có 118 dự án cấp mới với vốn đăng ký cấp mới 856 triệu USD, đứng thứ 3 trong tổng số 150 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án cấp mới và tăng vốn.

Về hợp tác phát triển (ODA), Việt Nam tiếp tục là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển (nhận khoảng 20% tổng viện trợ của Hàn Quốc). Gần đây, tổng viện trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam hàng năm đạt hơn 500 USD trong đó 90% là vốn vay ODA và 10% là viện trợ không hoàn lại. Hợp tác trên các lĩnh vực khác, như văn hóa, giáo dục, lao động, y tế, giao lưu nhân dân, địa phương được thúc đẩy mạnh mẽ. Cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc có khoảng hơn 270.000 người, luôn được chính quyền Hàn Quốc quan tâm, tạo điều kiện để ổn định cuộc sống, đóng góp tích cực cho quan hệ hai nước.

Hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD

Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang phát triển tốt đẹp nhất từ trước tới nay, theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, chuyến thăm chính thức Hàn Quốc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc, thể hiện mong muốn cụ thể hóa việc triển khai các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước và gần đây nhất là Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc, được ký kết tháng 6-2023 sau khi hai nước nâng cấp quan hệ.

Chuyến thăm là dịp để hai bên nhìn lại những tiến triển mới trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, trao đổi các vấn đề chiến lược, an ninh quốc phòng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân, hợp tác trên các diễn đàn đa phương cũng như các lĩnh vực có ý nghĩa then chốt nhằm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới với sự tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác thực chất, toàn diện hơn. Sự trao đổi và hiểu biết giữa người dân hai nước ngày càng sâu sắc và mật thiết hơn, đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.

Trong chuyến thăm, ngoài các chương trình chính thức với lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại 3 Diễn đàn, gồm Diễn đàn doanh nghiệp, Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa, Diễn đàn lao động Việt Nam - Hàn Quốc; và 2 Tọa đàm, gồm Tọa đàm với lãnh đạo các Tổ chức kinh tế Hàn Quốc và Tọa đàm với các nhà trí thức, khoa học Hàn Quốc về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Thủ tướng cũng sẽ có các cuộc tiếp đại diện lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam. Có thể thấy, hoạt động của Thủ tướng trong chuyến thăm Hàn Quốc lần này rất toàn diện, bao gồm cả các hoạt động với chính giới, với giới kinh tế - tài chính và với các tổ chức hữu nghị nhân dân, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cho biết, hơn một nửa các hoạt động của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm lần này sẽ tập trung vào lĩnh vực kinh tế. Bởi theo Thứ trưởng, hợp tác kinh tế vẫn luôn là điểm sáng, là trụ cột quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển thực chất quan hệ song phương. Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu về đầu tư trực tiếp; là đối tác lớn trong nhóm đầu về kim ngạch thương mại và là đối tác lớn về hợp tác ODA, du lịch và lao động. Bên cạnh đó, Hàn Quốc là quốc gia phát triển, có rất nhiều thế mạnh trong phát triển kinh tế, công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Thông qua các hoạt động đa dạng với giới kinh tế Hàn Quốc trong chuyến thăm lần này, Việt Nam kỳ vọng hai bên sẽ nâng cao chất và lượng trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và đa dạng chuỗi cung ứng; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tương lai như bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy hợp tác lao động, công nghiệp văn hóa, hợp tác du lịch giữa hai nước.

Qua đó, Việt Nam và Hàn Quốc có thể thực hiện mục tiêu sớm nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững, và góp phần thực hiện “Tầm nhìn chiến lược” về phát triển đất nước với mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao của Việt Nam.