- Năm 2025: 50% cơ sở đại học triển khai đào tạo thương mại điện tử
- Thu thuế thương mại điện tử tăng mạnh
Lực lượng QLTT kiểm tra 1 địa điểm kinh doanh thuộc hệ thống phoxedien.com |
Theo đó, Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT) đã chủ trì tổng kiểm tra với 10 điểm kinh doanh của phoxedien.com tại địa bàn 4 tỉnh, thành phố gồm: Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang, TP.HCM.
Thời gian kiểm tra từ ngày 4 đến ngày 6-12-2023. Đây là một trong những vụ kiểm tra điển hình trên thương mại điện tử có tính chất liên tỉnh, liên vùng.
Tổng cục QLTT cho biết, website “phoxedien.com” công bố “đã thông báo Bộ Công Thương”, đơn vị chủ quản là “Công ty TNHH xe điện xe máy Vinh Phát”, địa chỉ 49/1 Lê Đức Thọ, phường Thới An, quận 12, TP.HCM.
Website này công khai giới thiệu là nhà phân phối chính hãng của nhiều nhãn hiệu xe điện như: PEGA, KAZUKI, DK Bike, OSAKAR. Website cũng giới thiệu về các chế độ ưu đãi hấp dẫn, như: đổi trả hàng miễn phí trong vòng 03 ngày; hỗ trợ trả góp online; “cứu hộ tận nơi: 18009008”; bảo hành ắc-quy 24 tháng; hệ thống chi nhánh rải khắp các quận trên địa bàn TP.HCM cũng như tỉnh thành lân cận.
Fanpage bán hàng của Phoxedien.com có hàng chục lượt thích |
Theo giá niêm yết trên website, trung bình một chiếc xe đạp điện tại phoxedien.com có giá dao động từ 9.000.000 - 17.000.000 đồng/chiếc, tùy loại. Nhiều sản phẩm có những mã giảm trực tiếp treo bên cạnh sản phẩm để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.
Ngoài website thương mại điện tử nêu trên, sản phẩm xe điện của hệ thống này còn liên kết với các nền tảng mạng xã hội khác như: Facebook với tên “Phố Xe Điện - phoxedien.com”. Các fanpage này có hàng chục nghìn lượt thích.
Nghi vấn hệ thống có hành vi vi phạm, lực lượng QLTT đã đồng loạt kiểm tra 10 cửa hàng của phoxedien.com trên 4 tỉnh, thành phố.
Tại cửa hàng số 88 Nguyễn Thị Tú, phường Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM, địa chỉ này đã thực hiện thủ tục đăng ký với tên Hộ kinh doanh xe máy xe điện FUTACO. Chủ hộ kinh doanh là bà Đỗ Thị Phương, sinh năm 1986, địa chỉ thường trú tại Lĩnh Nam, Hoàng Mai, TP. Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không có mặt. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận cơ sở đang trưng bày để bán rất nhiều sản phẩm là xe đạp điện và xe máy điện các loại.
Riêng đối với mặt hàng xe đạp điện, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh mặt hàng xe đạp điện nhãn hiệu KAZUKI và OSAKAR tại địa điểm kinh doanh này
Cụ thể, thông tin trên website đối với sản phẩm xe đạp điện DTP KAZUKI được giới thiệu có vận tốc tối đa là 30-40 km/h, trọng lượng xe 45kg. Trong khi đó, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện do Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành kèm theo Thông tư số 39/2013/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải thì xe đạp điện có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 250 W, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và có khối lượng bản thân (bao gồm cả ắc quy) không lớn hơn 40 kg.
Đáng chú ý, đoàn kiểm tra ghi nhận tem mang logo của Tem hợp quy dán trên nhiều xe đều có cùng một ký hiệu, dãy số seri dù mã số khung của từng xe là khác nhau.
Bước đầu, đoàn kiểm tra xác định hộ kinh doanh xe máy điện FUTACO có các dấu hiệu vi phạm về Buôn bán hàng hóa trên thị trường đối với hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; Cung cấp thông tin sai lệch thông tin về hàng hóa trên website thương mại điện tử; Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;
Sử dụng dấu hợp quy không đúng quy định đối với sản phẩm, hàng hóa đã được công bố hợp quy theo quy định khi đưa ra lưu thông trên thị trường và nhiều dấu hiệu, hành vi khác …
Cùng thời điểm trên, lực lượng chức năng kiểm tra tại nhiều địa điểm kinh doanh khác thuộc hệ thống của phoxedien.com. Lực lượng chức năng đã tạm giữ tổng cộng 91 chiếc xe đạp điện các nhãn hiệu OSAKAR, KAZUKI, DK BIKE, Lihaze ebike, PEGA, DYLIXE, SARUNE, AIR WHEEL, HOMESHELL có nhiều dấu hiệu vi phạm tương tự như địa chỉ 88 Nguyễn Thị Tú.
Tại tỉnh Bến Tre, lực lượng chức năng đã tạm giữ 28 xe đạp điện các nhãn hàng hóa KAZUKI, OSAKAR, SUPER BIKE, YPCOOL SPORT, NIKE BIKE, SARUNE, DYLIXE và 9 xe máy điện nhãn hiệu KAZUKI và OSAKAR. Tất cả hàng hóa trên chưa xuất trình được các hóa đơn, chứng từ liên quan, chưa xuất trình được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật.
Tổng số xe đạp điện có dấu hiệu vi phạm thuộc chuỗi các cửa hàng được giới thiệu trên website phoxedien.com trên địa bàn các tỉnh, TP.HCM, Bến Tre là trên 200 chiếc các loại. Hiện lực lượng QLTT đang hoàn tất các thủ tục tạm giữ các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ để có cơ sở xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Tổng cục QLTT cho biết, đây là một trong những vụ kiểm tra điển hình trên thương mại điện tử có tính chất liên tỉnh, liên vùng, thể hiện thế mạnh của mô hình ngành dọc mà trước đây rất khó để thực hiện.
Việc đồng loạt kiểm tra các điểm kinh doanh trên website phoxedien.com liên tỉnh, thành phố là minh chứng cho quyết tâm của lực lượng QLTT trong việc triển khai có hiệu quả Quyết định số 319 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Tại hội thảo mới đây về “nâng cao năng lực phòng chống và xử lý các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử”, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, TMĐT bùng nổ, bên cạnh sự tích cực đã phát sinh những hành vi vi phạm mới, do vậy, Đề án 319 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/3/2023 thực sự cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh: “trước yêu cầu thực tế, sự phát triển của xã hội, xu hướng mua sắm tiêu dùng hiện đại nên thương mại điện tử sẽ là mặt trận đấu tranh mới của lực lượng QLTT trong vòng 3-5 năm tới. Phòng, chống hàng giả trong mua sắm online: Rất khó, nhưng phải làm”.
Lãnh đạo Tổng cục QLTT cũng khẳng định, việc chống hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ các lực lượng chức năng cũng như các sàn thương mại điện tử, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng; bảo đảm hoạt động thương mại điện tử diễn ra minh bạch, lành mạnh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam.