Vụ khung sắt rơi làm chết người ở đường Lê Văn Lương: Cần làm rõ trách nhiệm pháp lý của đơn vị, cá nhân vi phạm

ANTD.VN -Ngày 27-9, tại một công trình xây dựng trên đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng. Một khung sắt cỡ lớn từ giàn giáo của công trình này bất ngờ rơi từ trên cao xuống, khiến 1 phụ nữ đi đường thiệt mạng tại chỗ, 1 người khác bị thương.

Liên quan đến vụ việc trên, nhiều bạn đọc đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của đơn vị, cá nhân liên quan đối với thương vong của 2 người đi đường, đồng thời cho rằng, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm nhằm hạn chế những tai nạn tương tự.

Nhà thầu thi công phải bồi thường

Phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, đối với tai nạn xảy ra tại công trình xây dựng trên đường Lê Văn Lương, do có 1 người chết, 1 người bị thương nên trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà thầu thi công xây dựng công trình. Bởi theo quy định, trong quá trình thi công, nhà thầu phải có bộ phận quản lý an toàn lao động để hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường. Khi phát hiện vi phạm quy định về an toàn lao động hoặc xảy ra sự cố gây mất an toàn lao động, đơn vị này phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Vì vậy, khi hậu quả xảy ra, nhà thầu thi công phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị nạn theo quy định tại các điều 590, 591 BLDS 2015.

Hiện trường vụ tai nạn xảy ra trên đường Lê Văn Lương

Cụ thể, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại…Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm gồm thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Sau khi pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Có thể xử lý hình sự?

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người (Điều 295) hoặc tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 298) BLHS 2015 sửa đổi.

Điều 295 BLHS quy định, người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61-121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100-đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm chết 2 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122-200%…thì bị phạt tù từ 3-7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 298) BLHS 2015 sửa đổi, Điều 298 nêu rõ, người nào vi phạm quy định về xây dựng trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hoặc lĩnh vực khác thuộc một trong các trường hợp: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên… thì bị phạt tiền từ 50-500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội làm chết 2 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122-200% thì bị phạt tù từ 3-10 năm.

Ngoài ra, hành vi làm rơi thanh sắt đè chết người cũng có dấu hiệu cấu thành tội Vô ý làm chết người (Điều 128 BLHS). Theo đó, người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 3-10 năm.

Vụ việc rơi khung sắt tại công trình xây dựng trên đường Lê Văn Lương khiến một người chết, 1 người bị thương một lần nữa cho thấy tình trạng mất an toàn lao động tại các công trình xây dựng nhà cao tầng đã ở mức nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do sự chủ quan, thiếu cẩn trọng, không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, không che chắn, chống vật rơi ở khu vực có đông người qua lại, không lắp đặt biển báo biển cấm để cảnh báo đối với người đi đường…Để tránh xảy ra các vụ việc đáng tiếc tiếp theo, ngay từ bây giờ các cơ quan chức năng cần nhanh chóng kiểm tra tổng thể các công trình xây dựng cao tầng, xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về  an toàn nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật – Luật sư Lê Hồng Vân đề xuất.