Những ngày hè đáng nhớ ở Berlin

ANTD.VN - Tôi tới thăm Berlin vào trung tuần tháng 6. Để có thể cảm nhận thành phố một cách trung thực nhất và tận hưởng khoảng thời gian có hạn, tôi chọn cách đi một mình và không hoạch định trước những chỗ buộc phải tham quan hoặc những thứ buộc phải trải nghiệm. 

Tôi cũng tạm gác sang một bên những kiến thức lõm bõm về lịch sử, văn hoá nước Đức và Berlin. Việc không tạo kỳ vọng giúp tôi mở rộng đầu óc để quan sát sự đa dạng của cuộc sống nơi đây và chạm vào nó khi có thể.

Sau một tuần, tôi đã tới thăm những di sản văn hoá nổi tiếng, đã học hỏi thêm nhiều về lịch sử chiến tranh lạnh (Cold War), đã ngắm toàn cảnh Berlin từ mái vòm của toà nhà Quốc hội Đức, đã tiếp xúc với những khu vực văn hoá (sub-culture) khác nhau, đã ngắm nghía những bức tranh tường graffiti lớnnhất, đã hoà vào không khí World Cup cùng cư dân địa phương, đã uống bia, ăn xúc xích Đức, và cũng đã ăn Phở. Xin chia sẻ cùng bạn đọc một số trải nghiệm cơ bản.

Khu tưởng niệm nạn nhân Do Thái

Đi bộ qua lịch sử Berlin

Ngành công nghiệp du lịch rất phát triển của Berlin có nhiều lựa chọn cho du khách tham quan thành phố như đi xe bus, đi thuyền trên sông, hoặc đi bộ. Tôi chọn cách đi bộ vì có thể nhẩn nha cảm nhận, đồng thời có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với hướng dẫn viên và du khách từ mọi nơi trên thế giới.

Hướng dẫn viên của tôi là một bà mẹ trẻ, quê ở Dresden. Cô tốt nghiệp trường luật nổi tiếng Humboldt nhưng chưa bao giờ hành nghề luật sư. Cô chia sẻ sự yêu thích Berlin vì lịch sử phức tạp, đa tầng của nó, cũng như cách thành phố này luôn cố gắng đối diện với lịch sử để làm mới chính mình. 

Xuất phát từ cổng Brendenburg nổi tiếng, sau 3 tiếng đồng hồ hướng dẫn viên đã dẫn chúng tôi tới nhiều địa điểm khác nhau ở trung tâm Berlin trong đó có hầm Hitler, khu tưởng niệm các nạn nhân Do Thái, bức tường Berlin, điểm gác Charlie, quảng trường Pariser, trụ sở Bộ phòng không trước và trong thế chiến thứ hai, và nơi tưởng niệm đốt sách. Xen giữa là những câu chuyện nhiều màu sắc và gai góc gắn với từng địa điểm.

Khách tham quan trải qua nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau khi len lỏi giữa những cột bê tông xám lạnh và bất định của khu tưởng niệm nhân Do Thái, dừng bước trước bức tường đã từng ngăn cách Đông và Tây Berlin, ngắm những nhà thờ và nhà hát với kiến trúc cổ điển cầu kỳ xen giữa những khu nhà hiện đại ngay ngắn và đơn giản.

Hướng dẫn viên cũng chỉ cho chúng tôi một trong những nhà vệ sinh công cộng lâu đời nhất Berlin hiện nay vẫn hoạt động. Người dân địa phương hài hước đặt tên nó là “Cà phê bát giác” vì kiểu kiến trúc hình bát giác đặc trưng thời đó.

Điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi là quảng trường phía trước Đại học Humboldt – “ngôi nhà” của 55 chủ nhân giải Nobel, nơi Einstein từng làm việc, và cũng nơi Karl Marx, Friedrich Engels từng học tập.

Hướng dẫn viên chỉ cho chúng tôi xem nơi tưởng niệm vụ đốt sách dưới thời phát xít Đức. Với giọng xúc động, cô trích một câu nói có tính tiên tri của nhà thơ Heinrich Heine (cũng là sinh viên tại trường vào thế kỷ 19) để kết thúc chuyến tham quan: nếu người ta đốt những cuốn sách thì tương lai họ cũng đốt những con người.

Các bảo tàng nổi tiếng của Berlin

Bảo tàng là phần không thể thiếu của Berlin. Thành phố này có tới hơn 170 bảo tàng các loại. Thời gian chỉ cho phép tôi ghé thăm một số bảo tàng chính tại trung tâm bao gồm bảo tàng lịch sử quốc gia và Đảo bảo tàng (Museum Island) với 5 bảo tàng đã được xếp hạng di tích văn hoá UNESCO. Như nhiều bảo tàng lớn tại châu Âu, bộ sưu tập khổng lồ của các bảo tàng này có thể khiến du khách hoặc các nhà nghiên cứu, sưu tầm tiêu nhiều ngày tháng ở đây.

Bảo tàng lịch sử quốc gia có một triển lãm đặc biệt mang tên Sự tiết kiệm – lịch sử của một tính cách Đức (Saving – history of a German virtue). Triển lãm dẫn dắt người xem qua khoảng thời gian vài thế kỷ khi việc tiết kiệm tiền trở thành một thói quen của cộng đồng, ảnh hưởng tới việc thành lập các thiết chế kinh tế, cũng như chính sách kinh tế của nhà nước. Triển lãm có những thông tin hết sức thú vị khiến tôi liên tưởng tới Việt Nam và những kinh nghiệm mà tôi đã trải qua.

Ví dụ, vụ siêu khủng hoảng năm 1923 xảy ra do chính sách sai lầm của chính phủ và ngân hàng trung ương Đức. Vào thời điểm tháng 5/1923, 150 tỷ mark đủ để xây một căn hộ. 6 tháng sau, nó chỉ đủ để mua 625 gam thịt.

Có những bức ảnh công nhân dùng xe kéo để đi nhận tiền lương và sau đó xếp hàng tranh nhau tại cửa hàng bánh mỳ vì số tiền đó chỉ đủ mua một ổ bánh mỳ. Thông tin này làm tôi nghĩ tới cuộc đổi tiền ở Việt Nam năm 1985 và nhớ rằng lịch sử vẫn còn rất mới.

Các bảo tàng khác tại Đảo bảo tàng là nơi trưng bày một số bộ sưu tập quý hiếm về các nền văn minh khác nhau tại một số thời điểm lịch sử khác nhau. Bảo tàng mới (Neues Museum) được biết đến như là bảo tàng Ai Cập của Berlin.

Hiện vật nổi tiếng nhất của bảo tàng này là bức tượng bán thân tuyệt đẹp của nữ hoàng Nefertiti. Bảo tàng Pergamon là nơi lưu giữ những tuyệt tác đại diện cho nghệ thuật La mã cổ đại, Trung đông và Hồi giáo. Phòng tranh quốc gia cổ (Old National Gallery) là nơi trưng bày tác phẩm của các danh hoạ Đức đại diện cho các trường phái nghệ thuật khác nhau, từ lãng mạn tới hiện thực, như Caspar David Friedrich hoặc Adolph Menzel.

Địa điểm công cộng hấp dẫn của Berlin

Với thời gian có hạn, tôi không cố gắng thăm hết mọi địa điểm công cộng của Berlin. Nhưng tại mỗi địa điểm tôi đều dừng đủ lâu để cảm nhận không khí tại đó. Xin kể với bạn về quảng trường Potsdam (Potsdamer Platz), công viên trung tâm (Tiergarten), vườn cung điện Charlottenburg, khu Do Thái, và toà nhà Quốc hội Đức.

Quảng trường Potsdam là một phần của lịch sử Berlin với một khách sạn cổ nơi giới thượng lưu gặp gỡ. Nó bị phá hỏng gần như toàn bộ trong thế chiến thứ hai, và được xây dựng lại gần đây. Tại đây bạn có thể thư giãn tại một trong số rất nhiều quán cà phê hoặc cạnh thác nước được thiết kế đặc biệt để nhấm nháp bầu không khí của một đô thị hiện đại và chiêm ngưỡng kiến trúc của Trung tâm Sony. Bạn cũng có thể ghé thăm bảo tàng điện ảnh và dạo bước trên Đại lộ ngôi sao của Đức nơi các đạo diễn, diễn viên nổi tiếng được ghi danh.

Trung tâm Sony tại quảng trường Potsdam

Dinh thự Cecilienhof nơi diễn ra hội nghị Potsdam (ngôi sao đỏ là biểu tượng của Hồng quân Xô-viết)

Công viên trung tâm rộng lớn vốn là nơi đi săn của nhà vua. Tôi thích nơi này vì nó gần với thiên nhiên hơn là những vườn hoa được chăm sóc kỹ lưỡng kiểu Anh hay Pháp. Những tán cây rộng che gần như toàn bộ nắng hè gay gắt làm không khí trở nên dịu dàng hơn rất nhiều.

Người Đức vốn ưa di chuyển bằng xe đạp, và bạn có thể thấy những vòng xoay hai bánh lướt qua để lại tiếng lạo xạo trên đường sỏi. Điểm nhấn của công viên là một số công trình nghệ thuật như cột chiến thắng, đài tưởng niệm Beethoven-Haydn-Mozart, hay những phiến đá từ 5 châu lục biểu tượng cho hoà bình thế giới.

Charlottenburg là cung điện lớn nhất Berlin với lối kiến trúc châu Âu cổ điển. Việc đi dạo trong vườn cung điện, ngắm mặt nước phủ đầy hoa súng trắng và đàn vịt tung tăng dường như là một sự xa xỉ hiếm hoi trong cuộc sống bận rộn ngày nay. Khác với những điểm du lịch đông đúc khác của châu Âu, lượng khách tới cung điện Charlottenburg rất ít, và vì thế bạn có thể thảnh thơi tận hưởng khung cảnh bình an nơi này.

Cung điện Charlottenburg

Khu Do Thái (Jewish quarter) là khu vực gần trung tâm Berlin nơi những người Do Thái cư trú trước khi xảy ra nạn diệt chủng. Cũng như nhiều khu vực khác của Berlin, nó bị phá huỷ trong chiến tranh rồi được xây dựng lại. Ngày nay bạn có thể gặp ở đây một không khí thương mại nhộn nhịp, những khu nhà và không gian được trang trí đẹp, vui mắt, một vài nhà thờ lớn được trùng tu gần như nguyên vẹn, và bảo tàng nhỏ.

Vào cuối tuần, khu chợ Hackesche được lấp đầy bởi những quầy hàng nông sản và mỹ nghệ nơi bạn có thể mua hoa, trái cây tươi từ nông trại tới hoặc những món đồ xinh xắn. Khu chợ này cũng tập trung nhiều nhà hàng, quán bar nơi bạn có thể nhâm nhi ly bia Đức trong lúc theo dõi các trận đấu World Cup từ những màn hình TV lớn cùng các thực khách khác. 

Khu tưởng niệm nạn nhân Do Thái

Mái vòm của toà nhà quốc hội Đức (Bundestag Dome) là một trong những điểm thăm quan hấp dẫn của Berlin. Bạn sẽ phải đăng ký thăm quan tại website của quốc hội trước đó. Mái vòm là một kiến trúc độc đáo và mang tính biểu tượng cao cho thể chế dân chủ Đức. Nó được làm toàn bằng kính để thể hiện sự minh bạch trong hoạt động của quốc hội.

Một kiến trúc hiện đại được đặt trên toà nhà cổ cũng thể hiện sự tiếp nối trong lịch sử quốc hội. Khách thăm quan có thể ngắm toàn cảnh Berlin từ mái vòm này và nghe giải thích về các địa điểm gắn với lịch sử Berlin. 

Mái vòm nhà quốc hội Đức

Potsdam

Tôi đã dành 1 ngày để thăm Potsdam – kinh đô cũ của nước Đức trước thế chiến thứ nhất. Potsdam cách trung tâm Berlin 24 km về phía tây nam. Thành phố nhỏ xinh đẹp và bình yên này là một trong những nơi phát triển nhanh nhất nước Đức. Đó là nơi toạ lạc của 1 trường đại học, 3 trường cao đẳng, và hơn 30 viện nghiên cứu.

Potsdam cũng là nơi có các địa danh lịch sử nổi tiếng. Cung điện mùa hè Sanssouci là di sản UNESCO lớn nhất của nước Đức. Trường quay Babelsberg là trường quay lâu đời và lớn nhất thế giới trước khi Holywood xuất hiện. Cây cầu Glienicke Bridge là nơi trao đổi điệp viên giữa các bên trong thời chiến tranh lạnh.

Dinh thự Cecilienhof nơi diễn ra hội nghị Potsdam và quyết định của các nguyên thủ quốc gia Nga, Anh, Mỹ đã ảnh hưởng tới số phận của cả thế giới trong thế kỷ 20. Giống như những nơi khác, các địa điểm này luôn làm tôi liên hệ tới Việt Nam và những bài học tôi đã được học trong sách lịch sử.

Một tuần ở Berlin đã cho tôi thật nhiều kỷ niệm, và nhiều bài học để suy ngẫm. Hy vọng một ngày bạn cũng sẽ tới đó và kể cho tôi nghe câu chuyện của mình.