Người lao động luôn muốn làm thêm vì lương quá thấp

ANTD.VN - Kết quả khảo sát về tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động cho biết, có đến 26,5% công nhân phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% có thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ.

Người lao động buộc phải làm thêm vì lương không đủ sống

Chiều nay 12-7, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã công bố khảo sát thực tế về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu, đời sống của người lao động và thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong các doanh nghiệp năm 2018.

Theo khảo sát, tiền lương cơ bản hằng tháng của người lao động (làm đủ giờ công, ngày công) nhận được trung bình là 4,67 triệu đồng, trong đó người lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng, giao thông có tiền lương cơ bản hằng tháng cao nhất với bình quân là 4,949 triệu đồng; thấp nhất là lao động dệt may với 4,225 triệu đồng.

Tiền lương cơ bản trung bình của người lao động sản xuất trực tiếp là 4,23 triệu đồng/tháng (vùng I là 4,76 triệu; vùng II là 4,57 triệu đồng; vùng III là 4,14 triệu đồng; vùng IV là 3,32 triệu đồng); lao động gián tiếp, văn phòng là 6,52 triệu đồng/tháng; cán bộ quản lý người Việt Nam là 9,5 triệu đồng. Lao động và quản lý người nước ngoài là 30,3 triệu đồng/tháng.   

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng lương cơ bản trung bình theo khảo sát năm 2018 cao hơn lương tối thiểu 39,8%. Đặc biệt là vẫn còn một bộ phận người lao động nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Ngoài tiền lương cơ bản, người lao động làm việc còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ doanh nghiệp với nhiều tên gọi khác nhau để tăng thu nhập, giữ chân người lao động, nhưng các khoản này thường không tính vào mức đóng bảo hiểm (trừ phụ cấp trách nhiệm, chức vụ). 

Như vậy, cộng tất cả các khoản, tổng thu nhập trung bình của người lao động (không kể tiền ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng (cao hơn lương cơ bản là 18,4%), tăng hơn 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017. Tiền lương cơ bản chiếm 84,4% tổng thu nhập của người lao động.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, so sánh thu nhập với chi tiêu của người lao động và gia đình, kết quả cho thấy: 17,4% người lao động cho biết có dư dật và tích luỹ; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5 % phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ.