Đối tượng cứa cổ lái xe taxi ở sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội có thể bị tử hình

ANTD.VN -Như Báo ANTĐ đã đưa tin, tối 29/1 tại SVĐ Mỹ Đình, Hà Nội đã xảy ra vụ án mạng rất nghiêm trọng khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Theo thông tin ban đầu, nạn nhân là anh Nguyễn Văn D – lái xe taxi (26 tuổi, ở Sóc Sơn, TP.Hà Nội) bị Nguyễn Cảnh An (20 tuổi, ở xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) cứa cổ dẫn đến tử vong.

Phân tích sự việc lái xe taxi bị hành khách dùng dao cứa cổ dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi phạm tội của đối tượng rất nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến quyền được sống và quyền sở hữu tài sản của người khác trái pháp luật và ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại khu vực những ngày giáp Tết Nguyên đán.

Do vậy, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng gây án có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người với mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Điều 123 BLHS 2015 sửa đổi quy định, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp: Giết 2 người trở lên; Giết người dưới 16 tuổi; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Có tính chất côn đồ; Vì động cơ đê hèn…thì bị phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Chiếc xe taxi của nạn nhân Nguyễn Văn D tại hiện trường

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, hành vi giết người là hành vi làm chết người khác, thông qua hành động dùng mọi thủ đoạn nhằm làm cho người khác chấm dứt cuộc sống.

Hành vi này gây hậu quả trực tiếp là làm người khác chết. Đối với tội giết người chỉ cần người phạm tội có mục đích làm chấm dứt sự sống của người khác thì được coi là cấu thành tội giết  ngay cả trong trường hợp hậu quả chết không xảy ra. Tội giết người do người phạm tội gây ra với lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp.

“Còn đối với hành vi cướp tài sản, thông tin ban đầu cho thấy nạn nhân không bị mất tài sản. Song, đối tượng thực hiện hành vi lại khai mục đích giết người là để cướp tài sản. Do đó, cơ quan điều tra cần xác minh làm rõ nguyên nhân đối tượng sát hại nạn nhân là gì, mục đích ra sao... Nếu đối tượng có mục đích cướp tài sản thì tài sản bị cướp là gì, vì sao không lấy được tài sản của nạn nhân, từ đó mới có căn cứ để xác định đối tượng có bị xử lý thêm về tội Cướp tài sản hay không”– Luật sư Lê Hồng Vân phân tích.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản theo Điều 168 BLHS 2015. Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3-10 năm.

Phạm tội thuộc một nhằm chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; Làm chết người…thì bị phạt tù từ 18-20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nếu đối tượng bị truy cứu trách nhiệm về cả 2 tội Giết người và Cướp tài sản, khi xét xử tòa án sẽ tổng hợp hình phạt để quyết định một hình phạt chung theo nguyên tắc: Nếu với tội giết người mà bị tuyên án tử hình thì hình phạt chung mà bị cáo phải chấp hành sẽ là tử hình không phụ thuộc vào mức hình phạt ở tội cướp tài sản nữa. Nếu bị cáo bị xử lý bằng hình phạt là tù chung thân ở cả hai tội danh thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân...

Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ xác định vụ án này có đồng phạm hay không để xử lý nghiêm, tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm – Luật sư Lê Hồng Vân nhận định.