Đội ngũ dân phòng là chủ công trong công tác phòng cháy, chữa cháy tuyến cơ sở

ANTD.VN - Để phương châm 4 tại chỗ phát huy hiệu quả, Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội tham mưu Uỷ ban nhân dân huyện tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC - CNCH) cho lực lượng dân phòng trên địa bàn.

Qua tuyên truyền, huấn luyện, các học viên nắm vững kiến thức, quy trình xử lý sự cố cháy, nổ nhanh chóng, hiệu quả

Hạt nhân tích cực tại cơ sở

Đây là hoạt động thường niên để lực lượng dân phòng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH, chủ động tham mưu cho UBND, Công an xã triển khai có hiệu quả công tác PCCC và CNCH trên địa bàn, góp phần ngăn chặn các nguy cơ cháy nổ, xử lý nhanh, kịp thời, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ, tai nạn gây ra.

Ông Nguyễn Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết: “Lực lượng dân phòng được tuyển chọn từ địa bàn dân cư, trưởng thành qua những công việc thường ngày tại cơ sở, thời gian qua lực lượng dân phòng trên địa bàn đã phát huy tinh thần trách nhiệm, hiệu quả trong công việc và có những đóng góp thiết thực cho công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, nơi mình sinh sống. Hiện trên địa bàn huyện có 94 đội Dân phòng với 975 người tham gia, với tinh thần xung kích, tự nguyện là chính, thành viên của các đội Dân phòng là những người trẻ, có sức khỏe tốt, có kiến thức và kỹ năng về PCCC. Họ là những hạt nhân tích cực, nòng cốt phát động xây dựng các phong trào PCCC và tham gia giữ gìn an ninh, trật tự trong các khu dân cư”.

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng trên địa bàn, UBND huyện Thanh Trì đã ban hành kế hoạch về việc huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng này.

Theo đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thường xuyên tập huấn trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của từng cá nhân đối với công tác PCCC; tăng cường sự hiểu biết về an toàn PCCC và chủ động các biện pháp PCCC ở nơi làm việc cũng như nơi đang sinh sống, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Hiệu quả phương châm 4 tại chỗ

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Thanh Trì đã triển khai xây dựng được 168 Tổ liên gia an toàn PCCC, 1.008 điểm chữa cháy công cộng, 4 Cụm liên kết an toàn PCCC trong Cụm Công nghiệp Ngọc Hồi, 10 Cụm Làng nghề an toàn PCCC tại xã Tân Triều, 8 Chung cư, Tập thể an toàn PCCC, 3 xe chữa cháy lưu động tại xã Tân Triều, vận động nhân dân trang bị phương tiện chữa cháy, thoát nạn ban đầu (bình chữa cháy, mặt nạ lọc độc, thang dây).

Tuy nhiên, những nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ vẫn ở mức cao. Do vậy, Công an huyện tiếp tục bám sát các quy định của pháp luật, chỉ đạo của cấp trên về PCCC và CNCH, chủ động tham mưu UBND huyện triển khai có hiệu quả công tác PCCC trên địa bàn huyện.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn làm tốt công tác điều tra cơ bản về PCCC và CNCH, từ đó đề xuất chủ trương mới, cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả triển khai sâu rộng trong toàn huyện.

Thượng tá Lã Văn Tuyên, Phó trưởng CAH Thanh Trì cho biết: “Tình hình cháy, nổ diễn biến ngày càng phức tạp, cần có những cách làm hay trong công tác PCCC. UBND các xã, thị trấn thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH trên địa bàn, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ PCCC, đảm bảo an toàn cho người dân là trên hết”.

Báo cáo viên và các học viên trao đổi các nội dung công tác PCCC và CNCH

Để nhiệm vụ này đạt kết quả tốt, CAH Thanh Trì luôn chủ động lựa chọn, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng những công dân tích cực, thường xuyên có mặt tại địa phương tham gia lực lượng dân phòng để họ thực sự trở thành cánh tay đắc lực cho Công an cấp xã, UBND cấp xã đúng với vị trí là 1 trong 4 lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC và CNCH.

Qua các đợt tuyên truyền, lực lượng dân phòng được phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC&CNCH; phân tích trách nhiệm, quyền hạn trong công tác PCCC&CNCH; Thông báo tình hình, một số kiến thức cơ bản và các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ và những bài học kinh nghiệm; Quy trình cứu chữa một vụ cháy, nổ, xử lý một vụ cứu nạn, cứu hộ trong tình huống có sự cố tai nạn (chấn thương, đuối nước, tắc đường thở); Nguyên lý hoạt động của hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động…

Cùng với đó, nhiều học viên đã đưa ra các câu hỏi, những thắc mắc liên quan đến công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ và được báo cáo viên trực tiếp giải đáp cặn kẽ. Báo cáo viên cũng nêu rõ các nội dung liên quan và trao đổi, bổ sung thêm các kiến thức mới, giúp học viên nâng cao trình độ, tự tin xử lý các tình huống nếu có cháy, nổ xảy ra.

Kết thúc phần lý thuyết, học viên tham gia thực hành nội dung sử dụng các trang thiết bị, phương tiện PCCC tại chỗ như: bình chữa cháy xách tay, vòi chữa cháy… để chữa những đám cháy xăng, dầu, khí gas… dưới sự hướng dẫn của cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an huyện Thanh Trì.

Đợt huấn luyện này là tiền đề để các lớp tiếp theo tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ và năng lực công tác về PCCC và CNCH của lực lượng dân phòng, góp phần phát huy triệt để phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) trong công tác PCCC và CNCH.

Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân tham gia công tác PCCC và CNCH góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy, nổ, các sự cố trên địa bàn.