Xe cộ bây giờ đông quá, nhưng sự lưu thông trên mọi ngả đường giống như sự chuyển động “Brao” của các phân tử, nghĩa là hết sức lung tung, đấy là chưa kể việc nhức đầu, nhức tai của vô vàn tiếng còi xe làm cho người đi đường yếu bóng vía không biết tránh phía nào.
Vâng, ý định của quý Bộ rất tốt đẹp, thế nhưng thử hỏi dưới những dòng “sáng kiến” kia khi trình Thủ tướng thì quý Bộ có khẳng định rằng khi các cơ quan, công xưởng, học sinh đi làm, đi học lệch giờ nhau thì đường phố liệu có thoát khỏi cảnh ùn tắc không? Bởi vì mỗi thử nghiệm về một vấn đề gì trong cuộc sống xã hội cũng cần đến tính khoa học và sự đồng thuận của chính quyền và dư luận nhân dân. Đã tốn rất nhiều tiền cho những cuộc thí nghiệm như thế này, vậy mà cuối cùng vẫn là sự “đánh bùn sang ao”. Tôi hoàn toàn ủng hộ những ý tưởng tích cực (không phải là mới) thế nhưng ta hãy xem những đối tượng lưu thông trên đường là những ai?
Trong số hàng vạn xe máy, ô tô, xe ba bánh, xích lô, xe đạp…đi trên đường nhiều người là lao động tự do, những người nhàn rỗi, những người ở tỉnh ngoài về, rồi là dân sở tại chiếm đến hai phần ba người tham gia giao thông, vậy những đối tượng “vô giờ giấc” này ai quy định cho họ phải “đi làm, đi học” đúng giờ. Ta cứ quan sát hai ngày nghỉ thứ bẩy và chủ nhật thì sẽ thấy ngay sự “nan giải” cho vấn đề giải quyết ùn tắc bằng biện pháp “đổi giờ”. Những ngày nghỉ, học sinh, công chức có đi làm đâu mà sao “tắc” thế?. Tôi rất ủng hộ những ý tưởng của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, thế nhưng vấn đề cần được giải quyết đồng bộ hơn với nhiều việc làm kiên quyết và kế sách dài lâu.
Tôi xin lấy ví dụ: Vỉa hè Hà Nội đang rất dở dang và nham nhở, thêm vào đó là nạn chiếm vỉa hè để hành nghề sửa xe máy, xe đạp, rửa xe, hàng quán, rồi xe máy để lung tung và đủ các “binh chủng” lao ra kiếm sống trên vỉa hè. Việc này Hà Nội vẫn hàng ngày vẫn đuổi, phạt, thu giữ, vậy mà hàng chục năm nay không thay đổi, thưa Bộ trưởng ta giải quyết nạn này ra sao khi quý Bộ chưa thực sự bàn kỹ với Hà Nội để có một quốc sách hay? Tôi có cảm giác Hà Nội đang và luôn luôn là một “đại công trường”, mà đã là công trường thì lúc nào cũng bề bộn. Vậy cần làm từng nơi, thí điểm để giải quyết cho gọn từng “công trường” ấy. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông, chứ không chỉ là giải pháp giờ giấc lệch nhau mà giải quyết được ùn tắc. Còn bao nhiêu vấn đề khác là nguyên nhân gây ùn tắc là đường sá, hạ tầng cơ sở, bộ máy quản lý, vận tải công cộng còn đang có rất nhiều bất cập, vì vậy mong quý Bộ hãy bàn bạc kỹ với Hà Nội đề ra những quyết sách mang tính đột phá chứ không phải mang tính giải pháp tình huống mà vẫn chắp vá. Một giả dụ, nếu biện pháp đổi giờ làm việc mà việc ùn tắc vẫn “bó tay chấm com” thì sao?